Tham gia Bảo hiểm y tế: “Ðóng góp khi lành, để dành khi ốm”

Xã hội - Ngày đăng : 10:00, 13/09/2023

(BKTO) - Hiện nay, với mức lương cơ sở mới 1,8 triệu đồng, mỗi tháng người dân bỏ ra 81.000 đồng để tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy số tiền không lớn nhưng với phương châm “Ðóng góp khi lành, để dành khi ốm”, BHYT đã giúp nhiều người có thẻ BHYT vượt qua khó khăn về kinh tế khi không may ốm đau, bệnh tật.
1(1).jpg
Mặc dù số tiền đóng khác nhau nhưng người tham gia BHYT được Quỹ BHYT thanh toán số tiền khám, chữa bệnh như nhau. Ảnh: ST

Mức đóng khác nhau nhưng được thanh toán tiền khám, chữa bệnh như nhau

Theo quy định, mức đóng bảo BHYT hộ gia đình bằng 4,5% mức lương cơ sở. Từ ngày 01/7/2023, khi mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì người thứ nhất trong gia đình đóng 81.000 đồng/người/tháng, mức đóng của người thứ hai chỉ bằng 70% mức đóng của người thứ nhất (56.700 đồng/tháng), người thứ 3 chỉ bằng 60% mức đóng của người thứ nhất (48.600 đồng/tháng), người thứ tư đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất (40.500 đồng/tháng) và từ người thứ năm trở đi chỉ đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất (32.400 đồng/tháng).

Mặc dù số tiền đóng khác nhau nhưng người tham gia BHYT được Quỹ BHYT thanh toán số tiền khám, chữa bệnh như nhau, không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Qua đó, BHYT đã giúp nhiều người có thẻ BHYT vượt qua khó khăn về kinh tế khi không may ốm đau, bệnh tật.

Chia sẻ về vấn đề này, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau cho biết, chi phí phẫu thuật thay khớp háng toàn phần tại Bệnh viện này khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ có BHYT nên bệnh nhân chỉ phải chi trả khoảng 25 triệu đồng.

Theo Ðiều 22, Luật BHYT, người tham gia BHYT được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT ít nhất là 80%, 95% hoặc 100%, còn lại là đồng chi trả 5% hoặc 20%. Ðối với các nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng (hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, người khuyết tật...) được BHYT thanh toán 100%.

Ðặc biệt, điểm c, Ðiều 22, Luật BHYT quy định, khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm hơn 6 tháng lương cơ sở, sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến. Quy định này rất nhân văn, là điểm tích cực của Luật BHYT không để người bệnh khó khăn về kinh tế do bệnh tật gây ra.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau - ông Dương Minh Tùng - thông tin, đối với bệnh nhân khám, chữa bệnh chi phí cao, để được thanh toán 100% chi phí thì phải đảm bảo 3 điều kiện: Thời gian tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục (nếu tham gia BHYT gián đoạn thì thời gian gián đoạn phải dưới 3 tháng), số tiền cùng chi trả hơn 6 tháng lương cơ sở/năm và phải khám, chữa bệnh BHYT đúng tuyến (số tiền cùng chi trả trong năm được hiểu là năm tài chính tính từ ngày 01/01-31/12 của năm đó, trường hợp vào viện trước ngày 31/12 và ra viện sau đó sẽ tính cho năm sau).

Khi đáp ứng những điều kiện trên, người bệnh chỉ cần mang giấy tờ có liên quan như hoá đơn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, viện phí; thẻ BHYT (nếu có), căn cước công dân đến nộp tại cơ quan BHXH gần nhất. BHXH sẽ thanh toán phần chênh lệch số tiền cùng chi trả cho người bệnh, đồng thời sẽ cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm và cập nhật trên hệ thống để người bệnh không phải thanh toán phần cùng chi trả cho những lần khám chữa bệnh sau cho đến 31/12 của năm.

"Trường hợp người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế, số tiền cùng chi trả luỹ kế trong năm tài chính lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh vẫn được thanh toán số tiền cùng chi trả vượt mức 6 tháng lương cơ sở" - ông Tùng cho hay.

2(2).jpg
Tiếp tục nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh minh họa

Nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế theo tiêu chí nông thôn mới

Thời gian qua, dù nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng công tác phát triển người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt đối với các xã nông thôn mới. Cà Mau hiện có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chỉ có 27 xã duy trì tiêu chí về BHYT, còn cả 3/3 xã nông thôn mới nâng cao đều bị tụt tiêu chí này.

Theo quy định, để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã phải đạt từ 95% trở lên. Năm qua, để đạt tiêu chí này, UBND xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi đã vận động mạnh thường quân, bà con xa quê có điều kiện hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, đến nay tỷ lệ người dân tham gia BHYT chỉ đạt 90%.

Mặc dù chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền nhưng hiện nay, công tác vận động người dân tham gia BHYT ở xã Tân Dân vẫn còn một số khó khăn nhất định.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân Ðỗ Hoàng Thơ, nguyên nhân tụt chuẩn BHYT là sau khi được công nhận xã nông thôn mới nâng cao thì có những hộ dân đi làm ăn xa. Thêm nữa, người dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề nuôi thuỷ sản, có lúc sản xuất không hiệu quả nên công tác vận động, tuyên truyền gặp nhiều khó khăn.

Để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95% theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, ông Thơ cho biết, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với BHXH huyện đẩy mạnh tuyên truyền. Ðồng thời, vận động mạnh thường quân cũng như bà con xa quê hương hỗ trợ những hộ khó khăn để họ có BHYT.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Lê Hùng Cường đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh đôn đốc, chỉ đạo, nhắc nhở trong các cuộc họp giao ban hàng tháng về chỉ tiêu người dân tham gia BHYT để duy trì tỷ lệ đảm bảo theo quy định.

Đồng thời, kiến nghị Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia các huyện và TP. Cà Mau chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn không đạt tiêu chí BHYT cần quyết liệt đôn đốc, phối hợp với cơ quan BHXH tổ chức dịch vụ thu bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động thu BHYT tái tục và sắp hết hạn, không để rớt gia hạn thẻ BHYT, đảm bảo tính bền vững của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.

HỒNG NHUNG