Công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mới, toàn diện và hiệu quả hơn
Chính trị - Ngày đăng : 16:34, 13/09/2023
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023.
Số vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý tăng cao
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, công tác PCTN đạt nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó, nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới về xây dựng Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực được ban hành và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, thường xuyên được rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Cùng với đó, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong PCTN, tiêu cực được đề cao. Công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương, cơ sở chuyển biến tích cực; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý tăng cao so với năm 2022 (tăng 231 vụ án so với năm 2022).
Năm 2023, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, xử lý toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa xử lý cán bộ (thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác) với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự.
Các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm.
Đáng chú ý, việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả ở cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh.
Đồng thời với việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm, cơ quan chức năng cũng đã quyết liệt đấu tranh, khởi tố đối với các vụ án tham nhũng, tiêu cực, “tham nhũng vặt” có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương.
Nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý. Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Đánh giá về kết quả này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhìn nhận, việc Bộ Chính trị ban hành một loạt các quy định liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực, lợi ích nhóm trong từng lĩnh vực cụ thể là cơ sở chính trị hết sức quan trọng để các cơ quan triển khai thực hiện một cách có hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực.
Bên cạnh đó, các cơ quan đã đẩy mạnh và đồng bộ công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm một cách nghiêm minh, kịp thời, kiên quyết xử lý về trách nhiệm chính trị của người đứng đầu trong việc để xảy ra tham nhũng...
“Những kết quả đạt được trong PCTN, tiêu cực là rất quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế” - báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Còn nhiều thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường
Bên cạnh những kết quả tích cực, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, tham nhũng vẫn là vấn nạn chung của thế giới và khu vực trong thời gian tới, với những diễn biến phức tạp, khó lường.
Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong PCTN, tiêu cực do tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài. Tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Trong khi đó, công tác PCTN còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Mặc dù thời gian qua đã xử lý nghiêm nhiều cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nhưng vẫn xảy ra sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên một số lĩnh vực. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm, hiệu quả công việc thấp.
Cùng với đó, quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…Công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ chưa nhiều chuyển biến, có ít trường hợp tham nhũng, tiêu cực được phát hiện được qua tự kiểm tra nội bộ.
Công tác thu hồi tài sản tuy tăng mạnh so với những năm trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn; công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ việc còn khó khăn, vướng mắc.
Từ những tồn tại, bất cập được chỉ ra, năm 2024, Chính phủ xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong PCTN, tiêu cực.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực. Chính phủ sẽ ban hành Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2030; triển khai xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Chính phủ cũng tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp./.
Góp phần vào việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 63.653,9 tỷ đồng (trong đó: các khoản tăng thu: 5.000,7 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước: 26.350,7 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác: 32.210,5 tỷ đồng; giảm lỗ từ doanh nghiệp: 92 tỷ đồng); đã cung cấp 331 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát để huỷ bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 194 văn bản không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.