“Đặt hàng” kiểm toán việc tính tiền sử dụng đất đối với các dự án
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:56, 14/09/2023
Thưa ông, là một trong những địa phương ký Quy chế phối hợp công tác với KTNN, tỉnh Bình Định đã có sự phối hợp như thế nào để hỗ trợ các đoàn kiểm toán thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán hằng năm?
Trong các năm qua, UBND tỉnh Bình Định luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với KTNN trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán theo đúng định hướng, tránh việc chồng chéo, trùng lặp. Tỉnh cũng giải trình đầy đủ, kịp thời các vấn đề có liên quan do KTNN yêu cầu để các kết luận, kiến nghị được thực hiện đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
UBND tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị trực thuộc có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, bất cập trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo kết luận, kiến nghị của KTNN. Với tinh thần phối hợp và sự hướng dẫn của KTNN trong thời gian qua, tỉnh Bình Định luôn thực hiện các kiến nghị kiểm toán đạt ở mức cao.
Từ sự phối hợp chặt chẽ giữa KTNN với địa phương, kết quả kiểm toán đã mang lại hiệu quả gì cho tỉnh Bình Định, cụ thể là trong hoạt động giám sát, thẩm tra quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương, thưa ông?
Sự phối hợp giữa KTNN với tỉnh Bình Định trong những năm qua đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của hai bên. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã hỗ trợ tỉnh Bình Định hoàn thiện công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công. Trên cơ sở kiến nghị của KTNN, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tiến hành rà soát các kết luận giám sát có liên quan; điều chỉnh, bãi bỏ các cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực tài chính, ngân sách do địa phương ban hành chưa phù hợp với quy định pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, thẩm tra, phê chuẩn dự toán và quyết toán, điều hành ngân sách địa phương hằng năm.
Tỉnh Bình Định thực hiện đầy đủ kiến nghị của KTNN với tỷ lệ cao: năm 2019 tỷ lệ thực hiện đạt 100%, năm 2020 thực hiện được 98% và năm 2021 thực hiện được 96% kiến nghị kiểm toán.
Đối với UBND tỉnh Bình Định, hoạt động kiểm toán trên các lĩnh vực góp phần xác định những bất cập, hạn chế trong hoạt động quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trên địa bàn. Từ đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị kịp thời chấn chỉnh những sai sót, bất cập trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo đúng quy định.
Với tiền đề như vậy, thời gian tới, ông có đề xuất gì để công tác phối hợp của tỉnh Bình Định với KTNN ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn?
Tôi mong rằng, thời gian tới, KTNN và tỉnh Bình Định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai tốt hơn nữa Quy chế phối hợp công tác trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lặp; triển khai thực hiện kiểm toán và đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. KTNN sẽ cùng tham gia ý kiến với HĐND, UBND tỉnh Bình Định trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách; kiến nghị HĐND, UBND tỉnh bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tỉnh ban hành không còn phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan.
Ngoài ra, dựa trên chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN phối hợp kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách không còn phù hợp với thực tế tại địa phương. Đồng thời, KTNN chia sẻ với địa phương các bài học kinh nghiệm quản lý, điều hành ngân sách hiệu quả của các địa phương khác nhằm hoàn thiện công tác quản lý, điều hành của HĐND và UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện kiểm toán, KTNN và tỉnh Bình Định thường xuyên trao đổi về tiến độ kiểm toán, những vướng mắc phát sinh để kịp thời phối hợp xử lý. KTNN và HĐND, UBND tỉnh thường xuyên phối hợp bồi dưỡng, tập huấn, kết hợp việc tuyên truyền phổ biến về Luật KTNN, quy trình kiểm toán, quy chế hoạt động của đoàn kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của KTNN.
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, ngoài các cuộc kiểm toán theo kế hoạch, một số địa phương đã chủ động “đặt hàng” KTNN kiểm toán một số vấn đề nổi cộm tại địa phương. Bình Định có ý định “đặt hàng” với KTNN để thực hiện kiểm toán vấn đề đặc biệt nào không, thưa ông?
Bên cạnh kế hoạch kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, KTNN cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm toán các chuyên đề, qua đó các cấp quản lý tại địa phương có thể rút ra kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực, ngày càng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách, quản lý tài sản công trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, vấn đề nổi cộm của cả nước nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng là việc xác định và tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án trên địa bàn. Do đó, tôi mong rằng trong thời gian tới, KTNN có kế hoạch kiểm toán chuyên đề về nội dung này hoặc có ý kiến tham gia, hỗ trợ để tỉnh thực hiện việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Xin trân trọng cảm ơn ông!