Kiến nghị kiểm toán giúp địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý một cách toàn diện

Địa phương - Ngày đăng : 16:21, 15/09/2023

(BKTO) - Trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Nguyễn Đức Tải - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hưng Yên cho biết, từ việc nhìn nhận đúng đắn giá trị của báo cáo kiểm toán, cũng như tăng cường phối hợp với Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong thực hiện kiến nghị kiểm toán, đến nay, các kiến nghị về xử lý tài chính tại Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020 của tỉnh đã đạt trên 96%.

Xin ông chia sẻ về một số kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, hằng năm, căn cứ vào báo cáo kết luận của KTNN, Sở Tài chính đã thực hiện theo dõi, đôn đốc sát sao các cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện kịp thời các nội dung sau kết luận, kiến nghị của KTNN.

Kết quả là, các kiến nghị của kiểm toán tại tỉnh Hưng Yên cơ bản được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, đối với các kiến nghị về xử lý tài chính tại Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020 đã đạt được trên 96% (Tổng số kiến nghị về tài chính và kiến nghị khác là 279 tỷ đồng, số đã thực hiện là 272 tỷ đồng, số chưa thực hiện là 9 tỷ đồng).

hy1.jpg
Ông Nguyễn Đức Tải - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Lộc

Liên quan đến tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị KTNN và Nghị quyết số 53/2022/QH15 của Quốc hội về Phê chuẩn quyết toán năm 2020, sau khi có văn bản báo cáo kết quả KTNN, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thông báo kết quả kiểm toán cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; có giải pháp cụ thể thực hiện các nội dung kiến nghị còn tồn đọng, chưa thực hiện xong; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện đến KTNN và cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Đồng thời, tỉnh cũng khẩn trương kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, chưa được xử lý theo các kết luận, kiến nghị của KTNN từ năm 2020 trở về trước nhưng đến nay chưa thực hiện xong; làm rõ trách nhiệm, xác định nguyên nhân, có giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm; trường hợp có khó khăn vì lý do khách quan, thiếu tính khả thi trong thực tế thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; đồng thời xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân chậm trễ hoặc không thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp giữa KTNN và địa phương, đặc biệt là với Sở Tài chính tỉnh trong việc phối hợp, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán?

Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả mối quan hệ công tác giữa KTNN với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân (UBND) tỉnh Hưng Yên, cũng như để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, ngày 02/4/2013, KTNN và Thường trực HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên thống nhất ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan.

Tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế, KTNN và Thường trực HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, trong việc thực hiện kiểm toán, trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán …

Được UBND tỉnh giao làm cơ quan đầu mối trong việc phối hợp với KTNN trong thời gian kiểm toán và đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện cung cấp tài liệu kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các Đoàn KTNN trong thời gian KTNN làm việc tại địa phương.

Đối với việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, hằng năm, căn cứ vào báo cáo kết luận của KTNN, Lãnh đạo sở Tài chính chỉ đạo các phòng chuyên môn theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị được kiểm toán nghiêm túc thực hiện kịp thời các nội dung sau kết luận, kiến nghị của KTNN.

Cụ thể, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được kiểm toán tổ chức thực hiện ngay sau khi có kết luận, kiến nghị của KTNN; tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN đảm bảo theo quy định.

Hằng năm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tài chính cũng đã rà soát, kiểm tra, ban hành các văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN còn đang và chưa thực hiện; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và KTNN theo quy định.

Từ những kiến nghị kiểm toán được chỉ ra, tỉnh đã đề ra giải pháp gì để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, thưa ông?

Thứ nhất, tỉnh sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước.

Quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách nhà nước (kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên); tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giảm chi thường xuyên, tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển.

Tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng, khả năng triển khai thực hiện trong phạm vi nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành.

hy2.jpg
Qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần giúp địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng
tài chính công, tài sản công. Ảnh: Nguyễn Lộc

Trong quản lý vốn đầu tư công, tỉnh sẽ quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công gắn với sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả để góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để từng bước giảm chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, phát huy nguồn lực nhằm tái tạo tài sản và phát triển kinh tế - xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Phòng PV