8 yếu tố cần thiết cho một hệ thống quản lý tài chính công hiệu quả
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 17:05, 19/08/2018
(BKTO) - Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách tài chính công mặc dù công tác này được thực hiện chưa lâu. Tuy nhiên, quá trình cải cách tài chính công ở Việt Nam còn tiềm ẩn những yếu tố chưa ổn định; chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển còn thấp.
Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế tại Hội nghị quốc tế bàn tròn về tài chính công tại Việt Nam do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) phối hợp với Liên đoàn Kế toán châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) tổ chức ngày 17/8, tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế - Ảnh: Lê Hòa |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quản lý tài chính công vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Trong đó, việc quản lý thu NSNN, tỷ lệ huy động từ thuế, phí theo dự toán hằng năm thấp hơn mục tiêu đề ra. Dự toán năm 2018 là 19,7%GDP, giảm so với năm 2017 (20,1%GDP) và so với giai đoạn 2016-2020 (khoảng 21% GDP). Tình trạng kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN diễn ra tại nhiều đơn vị được kiểm toán…
Đối với quản lý chi NSNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, dự toán chi lập cao hơn thực tế, thiếu cơ sở, chưa sát, chưa đúng định mức, sai tính chất nguồn kinh phí. Bố trí vốn đầu tư dàn trải, chưa ưu tiên trả nợ, bố trí vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện; nhiều dự án nghiệm thu sai khối lượng, không đúng thực tế thi công, chưa đầy đủ hồ sơ, thanh toán sai đơn giá.
Về quản lý nợ công, kết quả kiểm toán cũng cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước không được chủ quan trước các rủi ro trong việc sử dụng vốn vay, điều kiện lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Lê Hòa |
Đối với KTNN, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động kiểm toán, trong đó, rà soát, đánh giá quá trình thực thi để chỉ rõ những quy định bất cập, không còn phù hợp thực tế nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động kiểm toán theo định hướng đổi mới hoạt động kiểm toán và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; tăng cường hiệu lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thông qua việc kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trong việc thực hiện các hoạt động kiểm toán.
Tại Hội nghị, ông Brian Blood - Giám đốc điều hành CAPA đã trình bày 8 yếu tố cần thiết để có được một hệ thống quản lý tài chính công toàn diện và hiệu quả. Thứ nhất, môi trường cải cách, đây là yếu tố đầu tiên dẫn tới thành công trong quản lý tài chính công, theo đó, thay đổi phải là bắt buộc, cùng với cam kết từ các bên liên quan chính để thực hiện những cải cách cần thiết.
Thứ hai, quản trị - khuôn khổ pháp lý và thể chế, yếu tố này mang lại thành công trong hoạt động quản lý tài chính công, do vậy, một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, một thể chế phù hợp, tạo điều kiện cho việc thực hiện các thỏa thuận dịch vụ công hiệu quả cần phải được đặt ra...
Thứ 3, quản trị - hệ thống giá trị, người dân phải nộp các loại thuế tạo nguồn thu cho chính phủ và hy vọng chúng được sử dụng một cách thích hợp. Sự thành công trong quản lý tài chính công đòi hỏi một cách tiếp cận cởi mở, trung thực và có trách nhiệm đối với việc lập kế hoạch, triển khai và báo cáo các dịch vụ mà ở đó thể hiện được ý định mạnh mẽ rằng thực hiện vì lợi ích công chúng.
Thứ 4, năng lực và khả năng, để thành công trong quản lý tài chính công, cần đảm bảo rằng luôn có sẵn các nguồn lực phù hợp để hỗ trợ việc áp dụng từng khía cạnh của công tác này, đặc biệt là về khía cạnh con người và hệ thống. “Nếu không có các hệ thống cần thiết và cán bộ, công chức giỏi kỹ năng thì không một quá trình cải cách quản lý tài chính công nào có thể thành công”.
Thứ 5, khuôn khổ tài chính và chính sách, “kết quả chính của các hệ thống quản lý tài chính công là ngân sách, thông qua đó, các chính sách công được tài trợ.” Một dự toán ngân sách đáng tin cậy là điều cần thiết, phản ánh tác động tài chính dự kiến của các chính sách và việc sử dụng nguồn lực của chính phủ. Do đó, yếu tố này dẫn tới thành công trong quản lý tài chính công là một khuôn khổ tài chính và chính sách toàn diện được xác định rõ ràng.
Thứ 6, quản lý hiệu quả hoạt động, đây là việc thực hiện thành công ngân sách, cả ở cấp độ vĩ mô và cấp độ tổ chức. Ngân sách phải được quản lý tốt, theo dõi và báo cáo để đạt được kết quả theo kế hoạch, với 3 điều: giá trị thu được tương xứng với chi phí bỏ ra, việc phân phối hữu hiệu, hiệu quả các dịch vụ và các hoạt động giám sát tuân thủ tài chính.
Thứ 7, báo cáo, bằng chứng thực nghiệm hiện nay nhấn mạnh mối quan hệ tích cực giữa mức độ minh bạch tài chính và các biện pháp phát triển bền vững tài chính. Yếu tố này dẫn tới thành công trong quản lý tài chính công, giúp chính phủ có trách nhiệm về các hoạt động tài khóa của mình.
Thứ 8, giám sát và đảm bảo, thông tin được báo cáo phải đáng tin cậy cho các mục đích minh bạch, trách nhiệm giải trình hay ra quyết định. Thông tin cũng phải chịu sự giám sát từ các cấp độ và hình thức soát xét khác nhau. Do đó, yếu tố dẫn tới thành công trong quản lý tài chính công là việc thông tin chủ quan được giám sát và đảm bảo hiệu quả, tạo ra niềm tin vào tính xác thực. Niềm tin được nâng cao hơn nữa nếu các thông tin này được xác nhận bởi kiểm toán độc lập.
Thống kê từ năm 2011 đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 231.946 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 741 văn bản sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; phát hiện và chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra 17 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Nếu tính riêng kết quả kiểm toán 2 năm 2016, 2017 từ khi Luật KTNN năm 2015 có hiệu lực, KTNN đã kiến nghị xử lý 129.683 tỷ đồng, gấp 1,27 lần số kiến nghị của cả giai đoạn 5 năm (2011-2015) liền trước (102.263 tỷ đồng); kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 309 văn bản; phát hiện và chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. GS.TS Đoàn Xuân Tiên |
LÊ HÒA