Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Đầu tư - Ngày đăng : 16:00, 16/09/2023
Ngày 15/9, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 1.
Theo quyết định của UBND tỉnh Cao Bằng do Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh ký duyệt, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài khoảng 93,35km đi qua địa bàn các huyện Văn Lãng, Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn); huyện Thạch An và Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Điểm đầu dự án Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; Điểm cuối Km93+350 điểm giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng.
Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m (đối với các đoạn thông thường) và 13,5m (đối với các đoạn khó khăn), đảm bảo cho xe chạy với tốc độ 80km/h.
Đáng chú ý, ngoài việc xây dựng phần đường, các nút giao, 46 công trình cầu, trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ xây dựng 2 hầm xuyên núi. Trong đó hầm số 1 tại khoảng Km49 (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) gồm 2 ống hầm (trái, phải) dài 220m, hầm số 2 được xây dựng tại khoảng Km72 (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) gồm 2 ống hầm (trái, phải) dài gần 500m.
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được phê duyệt đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư khoảng 14.331,6 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn gồm: Vốn do nhà đầu tư huy động (gồm chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn huy động khác) khoảng 7.751,6 tỷ đồng, chiếm 54,09% tổng mức đầu tư; Vốn nhà nước tham gia trong dự án 6.580 tỷ đồng, chiếm 45,91% tổng mức đầu tư.
Riêng với nguồn vốn nhà nước tham gia vào dự án (6.580 tỷ đồng) thì ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 2.500 tỷ đồng, còn lại 4.080 tỷ đồng là ngân sách địa phương của 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, dự án sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật PPP và các quy định hiện hành, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư từ Quý III/2023.
Để hoàn vốn, nhà đầu tư sẽ được quyền thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc với 7 trạm thu phí gồm 1 trạm đặt trên tuyến chính và 6 trạm thu phí đặt trên các tuyến nhánh tại các nút giao và điểm ra vào cao tốc, phù hợp với hình thức thu phí tự động không dừng.
Giá vé trên trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với hình thức thu phí kín, năm cơ sở 2026 mức giá vé 5 nhóm phương tiện lần lượt là: 2.100 - 3.000 - 3.700 - 6.000 - 8.100 (đồng/km), định kỳ 3 năm điều chỉnh tăng 15%/lần.
Cao Bằng là địa phương còn nhiều khó khăn, với vị trí địa lý là tỉnh biên giới xa xôi, việc đầu tư xây dựng dự án phát triển hạ tầng kết nối của tỉnh đóng vai trò rất quan trọng, liên kết để tạo cơ hội phát triển. Dự án này khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía đông bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được Bộ Giao thông vận tải lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Đây là dự án rất khó khăn cả về địa hình, địa chất, yếu tố kỹ thuật cũng như thủ tục pháp lý, đặc biệt là nhu cầu vốn rất lớn.
Cuối năm 2018, Tập đoàn Đèo Cả với kinh nghiệm xây dựng thành công các công trình giao thông trọng điểm như hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cửa Lục, hầm bao biển Quảng Ninh,… đã tham gia nghiên cứu triển khai dự án.
Đến tháng 8/2020, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg. Đến tháng 01/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 20/QĐ-TTg về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức PPP.
Dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia; tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng; thay đổi tình trạng QL4A là đường độc đạo nối giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.