Nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài
Đối nội - Ngày đăng : 08:45, 20/08/2018
(BKTO) - Xây dựng chiến lược và kế hoạch trong từng giai đoạn cụ thể về huy động, sử dụng vốn vay nước ngoài phù hợp với điều kiện nguồn vốn ODA; siết chặt kỷ luật tài chính; giảm cấp phát, tăng cường cho vay lại; đẩy mạnh thanh tra, kiểm toán, giám sát… là những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài trong giai đoạn tới, được đưa ra từ kết quả giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Vẫn còn quan niệm ODAlà “cho không”
Từ việc chỉ rõ kết quả đạt được cũng như những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016, Báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, những bất cập trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Bên cạnh sự thiếu hoàn thiện về khuôn khổ pháp luật, nhận thức về ý nghĩa của nguồn lực ODA và vay ưu đãi trong một số bộ phận cán bộ còn hạn chế. Đối với quan niệm nguồn vốn tài trợ là “cho không”, Chính phủ đi vay và cấp phát cho các địa phương, địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi, vì vậy, chưa chú trọng đến trách nhiệm phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Các Bộ, ngành và địa phương chưa thực sự quyết liệt, chủ động trong quá trình triển khai, vẫn còn tư tưởng “ỷ lại, trông chờ” nguồn vốn ODA, vay ưu đãi do ngân sách T.Ư cấp phát và chờ vốn đối ứng ngân sách T.Ư bổ sung.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài tại tỉnh Quảng Trị - Ảnh: CTV
Đặc biệt, còn tình trạng các cơ quan, đơn vị chưa chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính, dẫn đến lãng phí nguồn lực như: bố trí vốn kế hoạch hằng năm không đúng đối tượng, vượt tỷ lệ quy định, giao vốn chưa phù hợp với đăng ký của các Bộ, ngành, địa phương dẫn đến giải ngân ngoài dự toán lớn; một số Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương giao dự toán không đúng trình tự, phân bổ vốn chậm, thiếu tập trung, sử dụng vốn của dự án sai mục đích, không đúng đối tượng hoặc chưa phù hợp với điều khoản hợp đồng; vi phạm quy định của nhà tài trợ dẫn đến việc dừng cấp vốn gây lãng phí nguồn vốn đã đầu tư.
Theo Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015 của KTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn không đúng đối tượng hoặc vượt tỷ lệ quy định tại các chương trình 332,47 tỷ đồng (12 dự án); bố trí vốn đối ứng vượt tỷ lệ quy định 2,75 tỷ đồng (2 dự án). Số liệu các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cho biết: Năm 2011, giải ngân vốn ODA vượt dự toán 5.775 tỷ đồng, năm 2012 vượt 17.143 tỷ đồng, năm 2013 vượt 29.422 tỷ đồng, năm 2014 vượt 26.169 tỷ đồng, năm 2015 vượt 30.725 tỷ đồng, năm 2016 vượt 17.033 tỷ đồng.
“Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để công tác quản lý đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả của một số dự án, công trình đạt được chưa tương xứng với chi phí và nghĩa vụ nợ mà Nhà nước đã, đang và sẽ phải trả trong tương lai” - Báo cáo giám sát nêu.
Khẩn trương đánh giátoàn diện các dự án ODA
Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài gắn với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính theo quy định của Hiến pháp, Luật NSNN và các văn bản pháp luật liên quan. Huy động vốn vay phải được kế hoạch hóa, gắn kết đồng bộ với Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch vay, trả nợ quốc gia phải bảo đảm khả năng trả nợ, trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cần tính toán, cân nhắc, so sánh hiệu quả, chi phí so với vay trong nước, tránh lệ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời, phải được đánh giá kỹ về hiệu quả kinh tế - xã hội và tác động đối với nợ công.
Đặc biệt, cần giảm tỷ lệ cấp phát, tăng cường tỷ lệ cho vay lại để các địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn vay. Quản lý chặt chẽ việc bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay, thực hiện nghiêm các quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chí bảo lãnh, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong cấp bảo lãnh; thúc đẩy, tạo cơ chế cho các đơn vị tự vay, tự trả; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán và quyết toán công trình...
Riêng đối với việc vượt trần 300.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư từ nguồn ODA giai đoạn 2016-2020, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo sơ kết, đánh giá toàn diện, khách quan 3 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó đánh giá đầy đủ, chính xác về việc huy động, ký kết, giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Đồng thời, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ nêu rõ số vốn chưa đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và đề xuất giải pháp tổng thể cân đối, điều hòa nguồn lực tài chính đã được Quốc hội quyết định trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018); cũng như cần chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện giải ngân và hiệu quả của 1.155 dự án sử dụng vốn vay ODA, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
N. HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 16-8-2018