Đầu tư của PVN sẽ tập trung mạnh trong những tháng cuối năm

Kinh tế - Ngày đăng : 19:11, 17/09/2023

(BKTO) - Theo Kế hoạch đầu tư năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), từ nay đến cuối năm, giá trị đầu tư của Tập đoàn còn rất lớn, lên tới gần 39,1 nghìn tỷ đồng. Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu đề ra, PVN cùng người đại diện tại các đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt để xử lý các điểm nghẽn đầu tư, đặc biệt tại các dự án có kế hoạch vốn lớn.
omon.jpg
PVN sẽ tập trung nguồn lực thực hiện Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV. Ảnh: ST

Giá trị đầu tư 8 tháng đạt thấp so với kế hoạch

8 tháng đầu năm 2023, giá trị vốn đầu tư của PVN đạt 18,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2% kế hoạch năm. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp điện đạt 10,2 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% kế hoạch… Tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác đầu tư của PVN trong 8 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ và giải pháp trong các tháng cuối năm vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Ban Kinh tế Đầu tư của Tập đoàn cho biết, tỷ lệ vốn đầu tư đã thực hiện còn thấp so với kế hoạch được phê duyệt.

Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo Ban Kinh tế Đầu tư nêu rõ: do các đơn vị tập trung triển khai công tác chuẩn bị trong nửa đầu năm và sẽ đẩy mạnh thực hiện, giải ngân mạnh vào các tháng cuối năm. Mặt khác, có nhiều nút thắt ở một số dự án có kế hoạch vốn lớn của PVN/đơn vị dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân dự án còn chậm.

Theo kế hoạch, trong 4 tháng còn lại của năm 2023, giá trị đầu tư của Tập đoàn rất lớn, lên tới gần 39,1 nghìn tỷ đồng. Đứng trước thách thức này, lãnh đạo PVN cho biết, Tập đoàn cùng người đại diện tại các đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt để xử lý các điểm nghẽn đầu tư, đặc biệt tại các dự án có kế hoạch vốn lớn, các dự án trong Chuỗi dự án Lô B. Mục tiêu hàng đầu là phấn đấu giá trị thực hiện và giải ngân trong 4 tháng cuối năm đạt kết quả cao nhằm tạo đà cho các năm tiếp theo.

Ngay từ đầu năm 2023, Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng đã bày tỏ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp nhà nước là duy trì tăng trưởng, để làm được điều này cần phải gia tăng đầu tư. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thời gian qua, công tác đầu tư trong Tập đoàn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, mong muốn của Tập đoàn là tiếp tục được Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho Tập đoàn đầu tư phát triển các dự án dầu khí mới như Dự án Khí Lô B; Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc hoá dầu Dung Quất… để đáp ứng yêu cầu năng lượng cho phát triển đất nước, bởi việc chậm tiến độ đưa vào vận hành các dự án này, đơn cử như Dự án Khí Lô B sẽ dẫn đến hệ quả là không tiêu thụ hết khí lô B, sẽ ảnh hưởng chung đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác của PVN và nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, đối với Dự án Nhà máy đóng tàu của Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) (được chuyển từ Vinashin về PVN năm 2010) vẫn nằm trong số 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương trong nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm, Ủy ban đã nhiều lần làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan, đồng thời tích cực chỉ đạo doanh nghiệp khẩn trương có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc theo quy định pháp luật. Dự kiến, Đề án về chủ trương, phương án xử lý với dự án này sẽ được Ủy ban trình Bộ Chính trị trước ngày 15/11/2023.

dqs3.jpg
Sản phẩm của Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất. Ảnh: PVN

Tập trung nguồn lực triển khai các dự án lớn

Trao đổi về những nhiệm vụ chính trong những tháng cuối năm để thúc đẩy giá trị đầu tư đạt kế hoạch, Ban Kinh tế Đầu tư của Tập đoàn nhấn mạnh, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục chủ động, trách nhiệm trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành; tiếp tục thực hiện Chỉ thị, Thông báo kết luận của lãnh đạo Tập đoàn trong công tác quản trị đầu tư và quản lý các dự án đầu tư.

Đồng thời, Ban Kinh tế Đầu tư sẽ thực hiện cập nhật và trình Hội đồng đầu tư, lãnh đạo Tập đoàn xem xét phê duyệt Danh mục đầu tư thay thế Danh mục đầu tư ban hành năm 2021, làm cơ sở định hướng cho công tác đầu tư của Tập đoàn các năm tiếp theo; triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư năm 2024 có tính khả thi và mang tính phấn đấu cao.

Ngoài ra, các Ban của Tập đoàn cần hoàn thành xây dựng, sửa đổi, ban hành các văn bản nội bộ của Tập đoàn theo kế hoạch; phối hợp với Công ty cổ phần Thiết bị và Truyền thông (NGS) - đơn vị nhà thầu hoàn thành Dự án “Hệ thống Quản trị nguồn lực Doanh nghiệp ERP tại Công ty mẹ - PVN, giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng.

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, hiện nay, bức tranh đầu tư của Tập đoàn còn nhiều điểm khó khăn, nhiều “nút thắt” phải được tháo gỡ, trong khi đầu tư là một trong 3 hoạt động chính của doanh nghiệp, muốn có tăng trưởng thì doanh nghiệp phải có phát triển mở rộng thị trường thông qua công tác đầu tư.

Do đó, Tổng Giám đốc PVN đề nghị Tập đoàn cũng như các đơn vị, Ban quản lý dự án phải tập trung, tăng cường năng lực quản trị đầu tư tốt để tránh lãng phí các nguồn lực, thực hiện tốt chiến lược, kế hoạch đầu tư đã xây dựng.

“Các Phó Tổng Giám đốc phụ trách các lĩnh vực, các Ban chuyên môn của Tập đoàn cần rà soát tổng thể hệ thống quy định về đầu tư, quản trị danh mục đầu tư, gắn với phân cấp và phân công trách nhiệm cụ thể; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có báo cáo định kỳ về việc thực hiện đầu tư theo quy chế của Công ty mẹ - PVN và các đơn vị thành viên” - ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Trong đó, cần tập trung các nguồn lực triển khai đầu tư các dự án lớn như Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4; Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV; Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các dự án hóa dầu, cùng một số dự án trọng điểm khác./.

PHÚC KHANG