Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:10, 20/08/2018
(BKTO) - Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) chính là cơ hội vàng để Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên về phát triển công nghệ, kinh tế. Đây là thông điệp chứa đầy kỳ vọng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chuyển tải tại cuộc họp báo giới thiệu Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam vừa qua, tại Hà Nội.
Chuyển biến từ chính sách sang hành động
Những động thái chính sách thời gian qua của Việt Nam chứng tỏ Chính phủ coi cốt lõi CMCN 4.0 là trí tuệ nhân tạo, đây là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng, là cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại hóa trong thời gian sớm nhất. Đáng chú ý, tại Nghị quyết số 23/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng Đề án Đánh giá tác động và xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc CMCN 4.0.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng các chiến lược về CMCN 4.0 mà Chính phủ yêu cầu chính là tận dụng nguồn nhân lực người Việt chất lượng cao trong và ngoài nước để tham gia ngay vào việc triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0. Cụ thể là việc xây dựng: Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2018; Đề án Thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2018 và phấn đấu khởi công xây dựng Trung tâm vào cuối năm 2018; mạng lưới nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0.
Trong khuôn khổ đó, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Chương trình là sáng kiến của Bộ KH&ĐT nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Thông tin cụ thể về Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) - cho biết, Chương trình sẽ diễn ra trong vòng 7 ngày, từ ngày 18 - 24/8/2018 với chủ đề “Sức mạnh Thăng Long - Trí tuệ Việt Nam”. Ba mục tiêu lớn của Chương trình là: Chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay; thu hút sự quan tâm, đóng góp của giới trí thức người Việt ở nước ngoài đang nghiên cứu, công tác trong những ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ hàng đầu; tạo dựng mạng lưới và hệ sinh thái kết nối các giá trị tri thức nhân loại, tạo cơ chế cho các chuyên gia phát huy tối đa sự sáng tạo để phát triển khoa học, công nghệ tại Việt Nam.
Quyết tâm tận dụng CMCN 4.0 bằng tri thức
Trong khuôn khổ của Chương trình, chuỗi các hoạt động như: gặp gỡ lãnh đạo cao cấp của Nhà nước và Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp, trí thức làm khoa học công nghệ tại Việt Nam; trao đổi và làm việc với các tập đoàn, DN lớn, tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; làm việc với các khu công nghệ cao… sẽ được tổ chức tại Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh.
Lực lượng nòng cốt được mời tham gia Chương trình là 100 tri thức trẻ người Việt tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài. Đây là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics... Chương trình sẽ khơi nguồn cảm hứng, tạo sự liên kết mới từ những tinh hoa khoa học công nghệ trong và ngoài nước, từ đó lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra sự đổi thay về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam.
Thời gian qua, những nỗ lực phát triển Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng chú ý, được quốc tế ghi nhận. Theo Báo cáo xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2017, Việt Nam được xếp hạng 47/127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 bậc so với năm 2016. Đó là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay. Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (27 nước), Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016).
Trong ASEAN, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 3, sau Singapore, Malaysia và vượt trên Thái Lan. Sự tăng bậc khá ấn tượng về Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam so với năm 2016 là do có sự tăng bậc ở cả 2 nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra. Nhóm chỉ số đầu vào tăng 8 bậc, trong đó, hầu hết các nhóm chỉ số đều tăng bậc như: thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng và trình độ phát triển của thị trường... Nhóm chỉ số đầu ra tăng 4 bậc, trong đó, chỉ số đầu ra về tri thức và công nghệ đều tăng bậc.
Cùng với những động thái chính sách, các chương trình hành động cụ thể, thiết thực, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, việc tập hợp, quy tụ người Việt trẻ tài năng trong các lĩnh vực khoa học công nghệ để phục vụ, đóng góp cho đất nước luôn được Đảng, Nhà nước coi trọng. Điều này nhằm thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai.
Cuộc CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng. Do đó, Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công cuộc Cách mạng này - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 16-8-2018