Giám sát chặt chẽ lạm phát, tăng tốc giải ngân đầu tư công
Kinh tế - Ngày đăng : 21:30, 18/09/2023
Thương mại hàng hóa tiếp tục giảm trong khi một số lĩnh vực cải thiện
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 8/2023 do WB công bố ngày 18/9 cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ 2,6% (so cùng kỳ) vào tháng 8/2023, phù hợp với mức cải thiện khiêm tốn hằng tháng kể từ tháng 5/2023. Sự cải thiện này là do sản xuất công nghiệp phục vụ tiêu dùng trong nước tiếp tục mở rộng.
PMI sản xuất của Việt Nam tăng lên 50,5 vào tháng 8/2023, sau 5 tháng liên tiếp nằm trong vùng suy giảm (từ tháng 3 - 7/2023), cho thấy sự cải thiện nhẹ trong điều kiện kinh doanh.
Doanh số bán lẻ tăng 7,6% (so cùng kỳ) trong tháng 8, cải thiện nhẹ so với mức 5,1% (so cùng kỳ) vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước Covid (11 - 12%). Trong khi doanh số bán hàng hóa tăng nhẹ thì doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, phần lớn là do sự mở rộng của dịch vụ du lịch và khách sạn.
Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục nằm trong vùng suy thoái vào tháng 8/2023, giảm lần lượt là 7,3% (so với cùng kỳ) và 8,1% (so cùng kỳ). Nhập khẩu các mặt hàng đầu vào trung gian (chiếm khoảng 94% tổng lượng nhập khẩu) cũng giảm mạnh.
Sự suy giảm trong thương mại hàng hóa phản ánh nhu cầu tiếp tục yếu từ các thị trường xuất khẩu chính, bao gồm Mỹ và EU, khiến xuất khẩu giảm lần lượt 19,1% và 8,3% (so với cùng kỳ) trong 8 tháng năm 2023.
Tuy nhiên, xu hướng xuất khẩu và nhập khẩu tổng thể cho thấy sự cải thiện hằng tháng kể từ tháng 5, ghi nhận sự thu hẹp dần mức tăng trưởng âm của cả xuất khẩu và nhập khẩu, cho thấy sự sụt giảm trong xuất khẩu có thể đã chạm đáy.
Lạm phát tăng, giải ngân FDI ổn định
Lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ mức 2,1% (so cùng kỳ) trong tháng 7 lên 3% vào tháng 8/2023, đảo ngược xu hướng giảm trong 6 tháng liền kề trước đó.
Lương thực, thực phẩm cũng như nhà ở và vật liệu xây dựng là những tác nhân chính gây ra lạm phát CPI, tăng lần lượt 2,3% (so cùng kỳ) và 7,1% (so cùng kỳ) vào tháng 8/2023. Dịch vụ giáo dục cũng tăng 5,1% (so cùng kỳ) vào tháng 8 trước thềm năm học mới vào tháng 9.
Cam kết FDI đạt 1,9 tỷ USD vào tháng 8/2023, giảm 32% so với tháng 7. Tuy nhiên, cam kết FDI lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 lên tới 18,1 tỷ USD, cao hơn 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Giải ngân FDI vẫn ổn định, đạt 1,5 tỷ USD vào tháng 8/2023, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân FDI lũy kế đến tháng 8/2023 đạt 13,1 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Cam kết và giải ngân FDI ổn định phản ánh sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam bất chấp những bất ổn toàn cầu.
Tín dụng tăng chậm, thu ngân sách giảm
Tăng trưởng tín dụng đã tăng từ mức 9% (so cùng kỳ) trong tháng 7 lên 9,4% (so cùng kỳ) vào tháng 8/2023, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đã ghi nhận trong giai đoạn trước đại dịch và vẫn dưới mức trần tín dụng định hướng hằng năm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đặt ra cho 2023 (14%).
Tăng trưởng tín dụng thấp - bất chấp 4 đợt cắt giảm lãi suất chính sách và lãi suất tiền gửi/cho vay của NHNN trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 và thanh khoản thị trường dồi dào - phản ánh đầu tư khu vực tư nhân tiếp tục yếu, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản và niềm tin của nhà đầu tư yếu.
Tính đến cuối tháng 8/2023, thu ngân sách lũy kế đạt 44,5 tỷ USD (70% dự toán ngân sách hằng năm) - giảm 9,1% so với cuối tháng 8/2022. Trong khi đó, lũy kế thực hiện ngân sách đạt 46,8 tỷ USD (52,1% so với dự toán ngân sách), tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm đạt 39,6% dự toán ngân sách năm - tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2022. Cân đối ngân sách tháng 8 thâm hụt ở mức khoảng 2,1 tỷ USD, trong khi thâm hụt ngân sách tính đến thời điểm hiện tại ước khoảng 2,3 tỷ USD.
Khi nền kinh tế chậm lại, số thu ngân sách giảm 23,2% (so với cùng kỳ) trong tháng 8/2023, sau khi giảm 17 - 36% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7/2023. Trong khi đó, chi tiêu công tiếp tục tăng nhanh, tăng 22,1% (so cùng kỳ) trong tháng 8, tương đương với mức tăng trong các tháng 5, 6, 7 do giải ngân đầu tư công tăng.
Hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Đưa ra khuyến nghị đối với Chính phủ và các Bộ, ngành trong điều hành nền kinh tế, WB cho rằng, những biến động tăng giá gần đây của giá năng lượng toàn cầu đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ về lạm phát. Điều này cũng có thể ngăn cản NHNN nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.
Việc tiếp tục duy trì trạng thái thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu cho thấy cần đảm bảo quản lý ngoại hối linh hoạt để ứng phó với các điều kiện bên ngoài.
Đáng lưu ý, theo WB, việc tăng tốc hơn nữa giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi ưu tiên, cũng như đầu tư vào nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn.
Liên quan đến giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhiều chuyên gia đề xuất sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng giảm vướng mắc trong tất cả các khâu quản lý dự án, từ quy hoạch, đến chuẩn bị và triển khai thực hiện. Ngoài ra, để dự án được nhanh chóng thực hiện, cần giải quyết các vấn đề cốt lõi của khâu giải phóng mặt bằng.
Chủ trì họp rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại 17 bộ, cơ quan Trung ương ngày 18/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đã yêu cầu các Bộ, cơ quan phải tích cực cố gắng, quyết liệt hơn trong giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm.
Theo đó, các Bộ, cơ quan phải lập kế hoạch chi tiết thực hiện các dự án đầu tư, trong đó phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; lựa chọn tư vấn có đủ năng lực, nhất là đối với các Bộ, ngành không có cơ quan chuyên trách về đầu tư để tránh sai sót, mất cán bộ; thực hiện nghiêm việc báo cáo tiến độ giải ngân hằng tháng về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ./.