BIDV hướng đến mục tiêu Net-zero Bank

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 13:57, 19/09/2023

(BKTO) - Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã và đang nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành Net-zero Bank (Ngân hàng phát thải ròng bằng 0).
phat-trien.jpg
BIDV định hướng hoạt động kinh doanh và danh mục cho vay nhằm hướng tới mục tiêu trở thành Net-zero Bank.
Ảnh minh họa

Dư nợ tín dụng xanh tăng 45%/năm giai đoạn 2019-2022

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Ban Tài trợ dự án BIDV, nhận thức được tầm quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn, BIDV đã sớm chú trọng tài trợ cho các dự án xanh của nền kinh tế. 

Cùng với lộ trình và cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), BIDV định hướng hoạt động kinh doanh và danh mục cho vay nhằm hướng tới mục tiêu trở thành Net-zero Bank. 

Dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2019-2022 tăng trưởng bình quân 45%/năm. Đến thời điểm 30/6/2023, BIDV đang cấp tín dụng lĩnh vực xanh cho hàng nghìn dự án với dư nợ trên 66 nghìn tỉ đồng (tương đương khoảng gần 2,8 tỉ USD), tăng gần 4% so với đầu năm và chiếm tỉ trọng khoảng 4% trên tổng dư nợ của BIDV.

Danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững đến năm 2025 dự kiến đạt 3 tỉ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của BIDV.

Kể từ năm 2018, BIDV đã hạn chế cấp tín dụng đối với các lĩnh vực ảnh hưởng đến môi trường như các dự án năng lượng hóa thạch (nhiệt điện, điện than…), dự án thủy điện lớn, dự án gây phát thải nhà kính. Theo lộ trình đến năm 2035, BIDV sẽ không còn dư nợ cho vay các dự án nhiệt điện, điện than.

Chú trọng thẩm định các dự án xanh

Công tác thẩm định các dự án xanh của BIDV được thực hiện chủ động trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, đồng thời tham khảo tư vấn của các tổ chức chuyên môn về tín dụng xanh trong và ngoài nước.

Hiện nay, khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, cụ thể là bộ tiêu chí xanh để các ngân hàng phân loại, xác định các dự án đầu tư xanh chưa được hoàn thiện. Do đó, BIDV triển khai việc phân loại, xác định dự án có tính xanh trên cơ sở lĩnh vực đầu tư của dự án và xem xét ảnh hưởng đến môi trường.

Ngân hàng đã xác định các dự án xanh dựa trên lĩnh vực đầu tư, mục đích vay vốn; xây dựng các chương trình, gói tín dụng đặc thù, chính sách ưu đãi đối với tín dụng xanh, cũng như thực hiện quản lý danh mục tín dụng xanh.

Đồng thời, BIDV chính thức ban hành Khung khoản vay bền vững vào tháng 02/2023 với sự tư vấn của Tổ chức Carbon Trust và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố Khung khoản vay bền vững. Đây là cơ sở để xác định các dự án có tác động tích cực tới môi trường và xã hội, từ đó đẩy mạnh việc cung cấp các sản phẩm cho vay bền vững được thiết kế dành riêng cho các dự án xanh hoặc khuyến khích bên vay đạt được các chỉ tiêu hiệu quả bền vững.

Bên cạnh đó, BIDV đã ban hành các văn bản quy định nội bộ hướng dẫn việc đánh giá rủi ro môi trường - xã hội phù hợp với các quy định pháp luật, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và tư vấn của các dự án sử dụng nguồn vốn quốc tế.

Trong đó, triển khai Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của NHNN quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, BIDV đã quy định điều kiện các khoản vay phải tuân thủ quy định của pháp luật (bao gồm Luật Bảo vệ môi trường); luôn yêu cầu khách hàng đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của pháp luật.

BIDV không nhận thế chấp các loại hóa chất, khoáng vật có khả năng gây hại cho môi trường mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh, không nhận thế chấp quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng bởi các loại đất này có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Thực hiện Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của NHNN, BIDV đã ban hành Quy định quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, trong hoạt động cấp tín dụng sử dụng nguồn vốn từ các nhà tài trợ quốc tế khác, BIDV đã có kinh nghiệm rà soát, đánh giá các dự án đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về môi trường xã hội, khung an toàn môi trường xã hội của các nhà tài trợ.

    Cần có cơ chế khuyến khích áp dụng cho các tổ chức tín dụng khi triển khai cấp tín dụng xanh. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. 

Giám đốc Ban Tài trợ Dự án BIDV - ông Nguyễn Quốc Hưng

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có cơ sở, căn cứ cụ thể trong việc xác định và phân loại dự án xanh. Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Hành lang pháp lý để triển khai quản lý rủi ro môi trường - xã hội, tín dụng xanh đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Do đó, ông Nguyễn Quốc Hưng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ban, ngành sớm hoàn thiện khung pháp lý, chính sách tổng thể liên quan đến triển khai tài chính bền vững nói chung và tín dụng xanh nói riêng, định hướng phát triển từng ngành hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Trước mắt, sớm ban hành Tiêu chí phân loại dự án xanh, hướng dẫn công bố thông tin tài chính khí hậu theo chuẩn quốc tế; đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể, định hướng ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho tín dụng xanh./.

THÀNH ĐỨC