Báo động nguy cơ thiếu hụt năng lượng
Xã hội - Ngày đăng : 09:25, 20/08/2018
(BKTO) - Nền kinh tế nước ta đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Điều này đang đặt ra những thách thức rất lớn cho an ninh năng lượng khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như: than đá, dầu khí… đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước.
Nguy cơ thiếu điện cận kề
Theo thống kê từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, năm 2017, tổng điện sản xuất và mua của nước ta đạt 192,45 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2016, điện thương phẩm đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng công suất đặt nguồn điện toàn quốc tăng bình quân 12,8%/năm, cao hơn mức tăng trưởng phụ tải cực đại cùng giai đoạn là 9,6%/năm, trong đó, công suất đặt nguồn điện năm 2015 đạt 39.350 MW, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN.
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Từ một nước xuất khẩu, Việt Nam đã thành nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng, cung cầu năng lượng nói chung và cung cầu điện nói riêng ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá về thực trạng này, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết: Trong giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Theo tính toán, các năm 2019-2020, nhìn chung, cung ứng điện có thể được đảm bảo, nhưng đến các năm 2021-2023, hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam.
Thậm chí, tình trạng thiếu điện ở miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025 nếu như phụ tải tăng trưởng cao, lượng về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; nguồn khí Lô B, khí Cá Voi Xanh chậm tiến độ và các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ so với cập nhật hiện nay. Theo tính toán, mỗi dự án nhiệt điện than từ 1.000 - 1.200 MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại miền Nam tăng thêm từ 7,2 đến 7,5 tỷ kWh/năm - ông Hải cho biết.
Hoàn thiện chính sáchvề giá điện
Theo các chuyên gia, hiện nay, ngành năng lượng đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi nguồn năng lượng sơ cấp hoặc đã được khai thác hết hoặc cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn kinh tế trong nước rất khó, giá năng lượng thấp cũng không thu hút được đầu tư từ bên ngoài.
Đánh giá về những thách thức của ngành năng lượng, ông Lê Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - cũng cho rằng: Hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên, an ninh năng lượng quốc gia sẽ chịu tác động lớn. Bên cạnh đó, tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi.
Đưa ra những giải pháp cho thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, quan điểm của Chính phủ là trong mọi trường hợp không để thiếu năng lượng, thiếu điện cho phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề, trong đó, chú trọng đến việc phát triển phù hợp trong ngành năng lượng giữa than, dầu và khí. Trong giai đoạn tới, nhiều khả năng sẽ thiếu điện nên cần có cơ chế đặc thù triển khai những dự án, đẩy nhanh tiến độ các dự án mới. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh Việt Nam tạm dừng các dự án điện hạt nhân, các dự án nhiệt điện than ngày càng khó thực hiện; tăng cường chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Vượng, vấn đề then chốt là chính sách về giá điện, giá năng lượng trong thời gian tới. Hiện nay, giá điện vẫn nằm trong sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, phải phát tín hiệu để người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an ninh năng lượng hiệu quả gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Đồng tình với quan điểm trên, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng cho rằng: Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao việc ứng dụng công nghệ vào phát triển năng lượng, nhất là những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo như: điện gió, mặt trời… Đặc biệt, muốn phát triển năng lượng tái tạo thì rất cần sự tháo gỡ về cơ chế, chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như có những ưu đãi, hỗ trợ cho nhà đầu tư.
LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 16-8-2018