Khoảng trống trong công tác giám sát ngân sách

Xã hội - Ngày đăng : 09:35, 20/08/2018

(BKTO) - Mặc dù chức năng giám sát ngân sách của cơ quan mặt trận tổ quốc (MTTQ) đã được thể hiện rõ trong Luật NSNN năm 2015 cũng như trong nhiều văn bản pháp luật khác song thực tế thời gian qua, công tác giám sát này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng.


Người dân chưa tiếp cận được với thông tin về ngân sách

Đây là thông tin được công bố tại Tọa đàm “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát NSNN - Khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn” do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức ngày 15/8.

Theo quy định của Luật NSNN, phạm vi giám sát NSNN của cộng đồng gồm việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng NSNN; tình hình thực hiện dự toán NSNN hằng năm và việc thực hiện công khai NSNN. Tuy nhiên, dẫn kết quả xếp hạng Chỉ số công khai ngân sách năm 2017, đại diện CDI cho rằng, tình hình công khai ngân sách của Việt Nam thời gian qua vẫn chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt. “Xếp hạng Chỉ số công khai ngân sách Việt Nam (OBI) năm 2017 chỉ đạt 15/100 và thuộc vào nhóm ít công khai nhất là minh chứng sinh động cho thấy điều đó” - đại diện CDI nói và cho rằng, Việt Nam thiếu cơ chế cũng như ít cơ hội để người dân tham gia vào quá trình xây dựng, kiểm toán việc thực hiện ngân sách.

Toàn cảnh Tọa đàm - Ảnh: Nguyễn Lộc

Đồng tình với kết quả đánh giá này, TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - cho rằng, dự toán ngân sách được công bố công khai nhưng chưa đủ minh bạch và cụ thể, chi tiết vì các con số công bố quá chung, vĩ mô, rất khó giám sát hoạt động thu - chi cụ thể. Vì vậy, công khai ngân sách vẫn không làm giảm được tình trạng lạm dụng ngân sách, chi lãng phí như: tiếp khách, đi nước ngoài... Trong khi đó, nội dung công khai ngân sách của các nước rất chi tiết, cụ thể với từng khoản thu, chi rõ ràng, người dân dễ giám sát. “Để đạt được tiến bộ cụ thể, các nội dung có liên quan phải được công bố, ghi rõ thời hạn phải công bố; quy định trách nhiệm giải trình, trách nhiệm của người quyết định thu - chi, gây lãng phí ngân sách, chi kém hiệu quả” - ông Doanh nhấn mạnh.

Theo Phó Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) Phan Văn Vượng, những con số công khai còn chung chung, thông tin được công khai không đúng yêu cầu của người dân. Trong khi Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Nguyễn Phi Hùng cho rằng, cần điều chỉnh hình thức công khai cho phù hợp. “Đơn giản nhất là việc thiết kế tài liệu thông tin đến người dân phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nắm bắt” - ông Hùng góp ý.

Còn nhiều khoảng trốngtrong giám sát

Sự phức tạp trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách cùng những khó khăn do thiếu hướng dẫn thực hiện đang được cho là rào cản đối với hoạt động giám sát ngân sách của cộng đồng, trong đó có cơ quan MTTQ các cấp.

Theo ông Phan Văn Vượng, cơ quan MTTQ tham gia vào công tác giám sát với nhiều hình thức như: tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCĐ)… Từ năm 2014 đến nay, MTTQ các cấp đã chủ trì giám sát 107.592 cuộc giám sát. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân; việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm; về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Tuy nhiên, kết quả giám sát ngân sách còn rất hạn chế. Theo ông Vượng, nguyên nhân là do kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực ngân sách còn hạn chế, nhận thức về công tác giám sát còn chưa cao…

TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, mặc dù Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 quy định quyền giám sát và phản biện của cơ quan MTTQ nhưng hoạt động giám sát của MTTQ vẫn nặng tính hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao; giám sát hầu như mới chủ yếu do cấp cơ sở thực hiện; chưa tiến hành thường xuyên các hoạt động giám sát theo chuyên đề; việc tổ chức giám sát còn dựa nhiều vào báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát; phạm vi đối tượng bị giám sát trong thực tế của MTTQ còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện, thậm chí là bỏ trống…

Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giám sát của cơ quan MTTQ tại địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Nguyễn Phi Hùng cho biết, trong năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các Ban GSĐTCĐ đã tiến hành hơn 4.000 cuộc giám sát đối với các công trình xây dựng có sử dụng NSNN, qua đó phát hiện, kiến nghị thu hồi 248m2 đất, hơn 317 triệu đồng sai phạm. Tuy nhiên, việc giám sát trực tiếp đối với ngân sách vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân được ông Hùng chỉ ra là do hệ thống văn bản liên quan đến giám sát ngân sách hiện nay vẫn chưa rõ ràng. “Việc giám sát và đánh giá đầu tư đang được thực hiện theo Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, nhưng Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg vẫn chưa được bãi bỏ gây khó khăn trong thực hiện” - ông Hùng phân tích.

Ngoài những vướng mắc nêu trên, nhiều ý kiến cũng đề cập giải pháp nhằm nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng, như: cần có chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm sau khi phát hiện; đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 28/2012/TT-BTC quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc vốn ngân sách cấp xã theo hướng quy định bắt buộc những dự án đầu tư nhỏ, chủ đầu tư phải giao cho Ban GSĐTCĐ tổ chức giám sát thi công; đồng thời hồ sơ dự án phải có xác nhận của Ban GSĐTCĐ thì chủ đầu tư mới được thực hiện quyết toán…

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 16-8-2018