TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC VẤN ĐỀ VỀ MÔI TRƯỜNG
Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 09:33, 21/09/2023
Vai trò kiểm toán hoạt động trong kiểm toán các vấn đề về môi trường
Hiện nay, quá trình sản xuất kinh doanh của các tổ chức đã và đang gây ra những áp lực tới môi trường. Trong Báo cáo Triển vọng Môi trường đến năm 2030, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã xác định một số thách thức toàn cầu, bao gồm: Biến đổi khí hậu; đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên tái tạo; nước; chất lượng không khí; chất thải và hóa chất nguy hại.
“Các chủ thể và các bên liên quan khác nhau sẽ có những quan điểm khác nhau về tác động của KTHĐ tới các vấn đề về môi trường” - Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) nhận định. Một số sẽ tập trung vào các vấn đề ngắn hạn, số khác tập trung vào các tác động dài hạn; một số về hậu quả tại địa phương, một số khác về các câu hỏi quốc gia. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng các cơ quan kiểm toán thường hướng về tác động của cuộc kiểm toán giúp chất lượng môi trường được cải thiện trong nhiều năm.
Còn theo Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF), tác động của KTHĐ đối với vấn đề môi trường là phúc lợi của con người và các hệ sinh thái. Trong đó, tác động cuối cùng dẫn đến sự can thiệp hoặc phản ứng của chính phủ với những cải tiến về chương trình quản lý (tăng cường giám sát, quản trị tốt hơn, xác định vai trò và trách nhiệm rõ ràng hơn, cải thiện việc tuân thủ pháp luật); cải thiện chất lượng môi trường (giảm mức phát thải, nước thải); sử dụng bền vững hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên; cải thiện sức khỏe hệ sinh thái, tăng đa dạng sinh học, kiểm soát tốt hơn các loài xâm lấn; phục hồi các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Các cuộc KTHĐ có tác động cao sẽ là những cuộc kiểm toán: Sử dụng các thực tiễn tốt nhất như là kỳ vọng để đánh giá các chương trình; so sánh hiệu quả hoạt động của các đơn vị được kiểm toán với các tổ chức tương tự ở các khu vực tài phán khác; mong đợi để quan sát những cải tiến liên tục theo thời gian.
Ngoài việc cải thiện quản lý và chất lượng môi trường, KTHĐ về vấn đề môi trường cũng có thể có tác động tích cực bằng cách nâng cao hồ sơ của một vấn đề môi trường. Kiểm toán có thể đạt được điều này thông qua việc chia sẻ thông tin độc lập, khuyến khích các cuộc tranh luận công khai và nhắc nhở các nhà lập pháp, giới truyền thông và các bên liên quan chú ý hơn đến một vấn đề môi trường cụ thể. Tác động tích cực đạt được thông qua lập kế hoạch cẩn thận, đánh giá chuyên nghiệp, đổi mới, xem xét các ưu tiên của chính phủ.
Nâng cao hiệu quả của kiểm toán hoạt động các vấn đề về môi trường
Để tăng cường vai trò, hiệu quả KTHĐ các vấn đề về môi trường, kiểm toán viên (KTV) và các đoàn kiểm toán cần lưu ý một số vấn đề.
Thứ nhất, các vấn đề môi trường luôn hiện hữu và có tác động trực tiếp đến con người, nền kinh tế, kéo dài qua nhiều thế hệ và thường được chia sẻ với các nước lân cận. Vì vậy, trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, KTV cần lựa chọn chủ đề kiểm toán có khả năng kết nối mọi người (sức khỏe, nền kinh tế, việc làm, môi trường, địa phương).
Việc lựa chọn các chủ đề tốt cho KTHĐ thường đòi hỏi kiến thức vững chắc về chủ đề, phân tích rủi ro kỹ lưỡng, nhiều cuộc thảo luận với các chuyên gia và rất nhiều đánh giá chuyên môn. Ngoài các yếu tố cơ bản này, KTV có thể tăng khả năng thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường có tác động cao bằng cách chọn các chủ đề mà công chúng quan tâm.
Trong giai đoạn lập kế hoạch, KTV cũng cần xác định mục tiêu kiểm toán và các tiêu chí thích hợp để đánh giá hoạt động của một đơn vị liên quan đến cuộc kiểm toán môi trường. Bên cạnh đó, KTV cần tìm hiểu về vòng đời của một vấn đề môi trường, từ đó xác định các điểm mấu chốt và sắp xếp thời gian thực hiện kiểm toán.
KTHĐ cũng có thể cải thiện kế hoạch kiểm toán bằng cách tham vấn với các chuyên gia về các mục tiêu và tiêu chí. Bằng cách đó, các nhóm kiểm toán có thể xác định tiêu chí phù hợp hơn hoặc đạt được sự đảm bảo rằng họ đã chọn đúng mục tiêu và tiêu chí kiểm toán. Trong giai đoạn này, các KTV cũng cần xác định trước các loại, nguồn và khó khăn khi thu thập bằng chứng, dữ liệu. Đồng thời, KTV cần xác định các loại phân tích dữ liệu định tính và định lượng cần thực hiện trên các dữ liệu thu thập.
Thứ hai, trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, KTV cần hiểu và xác định điều gì đang xảy ra với môi trường, hậu quả là gì và chính phủ đã đưa ra những biện pháp nào. Quan trọng hơn, KTV tập trung kiểm toán vào các biện pháp mà chính phủ thực hiện để giải quyết các nguyên nhân gỗc rễ thay vì chỉ đối phó ở thời điểm hiện tại. Các phát hiện kiểm toán phổ biến bao gồm: Thiếu tuân thủ các quy tắc hoặc chính sách; kết quả không đạt được như mong đợi; rủi ro không được đánh giá và quản lý; các chiến lược không được phát triển hoặc tuân theo; thiếu dữ liệu hoặc thông tin để đo lường kết quả hoặc để hỗ trợ các quyết định; giám sát lỏng lẻo.
KTV cần sử dụng phương pháp phân tích nguyên nhân gốc rễ với các phát hiện kiểm toán. Các câu hỏi đặt ra là: Tại sao những thiếu sót xảy ra? Tại sao các đơn vị không tuân thủ? Tại sao rủi ro không được quản lý? Tại sao kết quả dự định không được thực hiện? Tại sao các cơ quan giám sát không làm công việc của họ? Nguyên nhân là gì? Việc phân tích nguyên nhân gốc rễ có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hỗ trợ đưa ra các khuyến nghị hiệu quả. Theo đó, các đề xuất “hiệu quả” là những đề xuất dẫn đến các giải pháp lâu dài giúp ngăn chặn vấn đề tái diễn, thay vì chỉ đơn giản là yêu cầu ban quản lý “khắc phục sự cố”. Các KTV cần lưu ý rằng, nguyên nhân gốc rễ thường bắt nguồn từ chiều sâu của chính sách, nguồn lực sẵn có hoặc ý chí thực hiện, do đó, các kiến nghị KTHĐ về môi trường thường khó và liên quan nhiều đến pháp luật.
Thứ ba, trong giai đoạn hoàn tất và đưa ra các khuyến nghị trong báo cáo kiểm toán, KTV cần đưa ra các khuyến nghị có tác động cấu trúc lâu dài. KTHĐ các vấn đề môi trường đòi hỏi kiến nghị mang giá trị gia tăng, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề thay vì các triệu chứng; bản chất của các kiến nghị là mang tính chiến lược, không phải hoạt động và tập trung vào kết quả hơn là phương tiện để đạt được điều đó.
KTV có thể đưa ra các khuyến nghị chiến lược bằng cách tập trung vào các “điểm mấu chốt” trong các quy trình ra quyết định của cơ quan quản lý. KTV cũng nên cố gắng tạo ra “hiệu ứng domino” - những thay đổi đối với một yếu tố dẫn đến thay đổi các yếu tố khác trong cùng hệ thống và hiệu quả càng lớn khi các phần tử của hệ thống được liên kết chặt chẽ với nhau. Để tối đa hóa hiệu ứng này, các khuyến nghị phải hỗ trợ quá trình ra quyết định tác động lên nhiều yếu tố của quy trình hoặc hệ thống nhằm hướng tới những cải thiện chất lượng sức khỏe cho người dân, duy trì tính thực tế và khả thi./.