Gỡ vướng thể chế, phát huy vai trò doanh nghiệp nhà nước
Kinh tế - Ngày đăng : 13:22, 21/09/2023
Cần cơ chế đặc thù, trao quyền tự chủ nhiều hơn
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết, hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 DN do Nhà nước nắm cổ phần chi phối; tổng tài sản của DNNN trên toàn quốc đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng doanh thu của DNNN là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm; lãi phát sinh trước thuế thu nhập DN là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch năm… Tuy nhiên, nhiều DNNN vẫn gặp khó khăn, thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng nguồn lực nắm giữ…
Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN trên phạm vi toàn quốc mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, chúng ta rất cần khung thể chế để phát huy vai trò của DNNN, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các DNNN để phát huy hết tiềm năng. “Thành phố đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN theo hướng cho phép bổ sung vốn điều lệ, đồng thời cho cơ chế đặt hàng các DNNN thực hiện các nhiệm vụ chính trị” - ông Mãi chỉ rõ.
Cùng với đó, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: Bộ Tài chính sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh, để sử dụng hiệu quả hơn các tài sản nhà đất; Bộ KHĐT sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chuyển đổi công ty nhà nước thành lập và hoạt động theo Luật DNNN thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo Luật DN.
Đồng quan điểm, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng mong Chính phủ thường xuyên lắng nghe khó khăn của DN, đặc biệt là vướng về quy định, chính sách để kịp thời phát hiện và tháo gỡ sự bất cập, đồng thời cần có quy định bảo vệ người dám nghĩ, dám làm ngay cả trong DNNN.
Nhấn mạnh mảng đầu tư cho năng lượng rất vướng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An chỉ rõ: Đầu tư cho năng lượng là rất lớn và thiết yếu, nhưng hệ thống thể chế chưa có bất cứ cơ chế đặc thù nào cho năng lượng. Chưa kể, quy trình, thủ tục đầu tư riêng cho năng lượng cũng không có. Hiện đầu tư cho năng lượng điện, nước đều theo quy trình của Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Vì vậy, cần ban hành cơ chế đặc thù sớm cho lĩnh vực này, nếu không rất khó làm. “Luật DN mở, nhưng Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN chặt quá. Như vậy, quá trình ra quyết định và xin báo cáo rất lâu. Bên cạnh đó, Hội đồng thành viên các tập đoàn cần phải được phân cấp nhiều hơn nữa” - Chủ tịch EVN thẳng thắn.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu PVN đến năm 2025 và kế hoạch 5 năm của Tập đoàn; sớm sửa đổi nghị định đầu tư ra nước ngoài về dầu khí, đặc biệt có phân cấp cho các dự án thuộc khu vực thượng nguồn trong giai đoạn chuyển giao giữa Luật Dầu khí cũ và mới; kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi và hướng dẫn quy trình, quy định có liên quan đến vận hành và lịch huy động các nhà máy về tiêu thụ khí…
Việc cần làm ngay là tháo gỡ khó khăn về thể chế
Trả lời kiến nghị của các DN, đại diện Bộ, ngành đều thống nhất, cần khẩn trương xây dựng thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho DNNN sớm phục hồi để phát triển. Đơn cử, với kiến nghị của Chủ tịch Viettel, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, Bộ luôn mở rộng cửa và sẵn sàng lắng nghe, trao đổi cũng như có ý kiến phản hồi về các đề xuất của DN. Với kiến nghị của PVN về sửa đổi Nghị định quy định đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí, Bộ đã ghi nhận, tổng hợp ý kiến các DN và đang xin ý kiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. “Đây là nội dung rất quan trọng được Bộ Công Thương làm chi tiết, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 9 này” - ông Tân nói.
Bộ Tài chính mong các DN, tập đoàn có vướng mắc gì hãy trao đổi với Bộ Tài chính để tháo gỡ. Bởi, nếu không tập trung vào việc sửa Luật thì khi thực thi sẽ vướng, sẽ không thể tạo động lực phát triển cho các DNNN mà còn là rào cản.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc cần làm ngay bây giờ là tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN. Đầu tiên, việc các DN cần chú trọng hiện nay là mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tiếp đó là tháo gỡ khó khăn về vốn. Do đó, chúng ta cần tháo gỡ từ thể chế, tháo gỡ từng vướng mắc để tạo động lực thúc đẩy cho DN. Về sửa luật, Bộ Tài chính đang khẩn trương sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tạo chủ động cho DN; cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ quyết định các vấn đề lớn, quan trọng mang tính định hướng và tập trung kiểm tra, giám sát.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. “Hoàn thiện thể chế phải trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho DN” - Thủ tướng nêu rõ./.