Hưng Yên có 228 sản phẩm OCOP
Địa phương - Ngày đăng : 16:54, 26/09/2023
Việc triển khai, thực hiện chương trình OCOP đã tạo thêm động lực cho các hợp tác xã (HTX) mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế, từng bước nâng cao chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường khác nhau gắn với hình thành và phát triển các hình thức sản xuất phù hợp.
Trong tổng số 86 chủ thể tham gia OCOP trên địa bàn Hưng Yên, có 45 HTX đã tham gia với khoảng 80 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao. Các HTX có sản phẩm được công nhận đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh như nhãn, nghệ, chuối tiêu hồng, vải lai chín sớm, vải trứng Hưng Yên, mật ong hoa nhãn, long nhãn, cam Hưng Yên, sen Hưng Yên, cúc hoa.
Chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng.
Từ việc tham gia chương trình OCOP, các HTX đã đóng góp tích cực, thúc đẩy phát triển sản xuất ở nông thôn, thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo động lực để phát triển bền vững.
Hợp tác xã sản xuất rau, quả và dịch vụ thương mại Đồng Thanh, xã Đồng Thanh (Kim Động) là một trong những HTX tiêu biểu, đi đầu trong chương trình OCOP đã xây dựng mô hình sản xuất cam, bưởi theo hướng VietGAP, quy mô 30ha.
Với 30 thành viên, HTX tổ chức giám sát chặt chẽ các khâu sản xuất, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đến nay, HTX có sản phẩm Cam Hưng Yên được xếp hạng OCOP 3 sao. Sản lượng cam mỗi năm của HTX đạt khoảng 200 tấn. Từ năm 2021 đến nay, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, cam của HTX có tem truy xuất nguồn gốc, tăng thêm uy tín trên thị trường, tiêu thụ thuận lợi hơn các sản phẩm cùng loại, giá bán luôn cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng 10% - 20%.
HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú, ở thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang (Văn Lâm) đã phát huy lợi thế kinh nghiệm của làng nghề sản xuất, chế biến dược liệu truyền thống để tạo ra các sản phẩm dược liệu có giá trị kinh tế cao từ cúc hoa, kinh giới, tía tô, mã đề. Không chỉ áp dụng khoa học vào chăm sóc để tăng năng suất, chất lượng nguyên liệu, HTX chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm dược liệu.
Năm 2021, sản phẩm Cúc hoa của HTX đạt OCOP hạng 3 sao. Mỗi năm, HTX chế biến khoảng 50 tấn cúc hoa tươi, cho ra 10 tấn thành phẩm sấy khô. Từ khi tham gia chương trình OCOP, HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất, kinh doanh. HTX được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sản phẩm Cúc hoa được khách hàng biết đến nhiều hơn, tiêu thụ thuận lợi hơn, doanh thu hằng năm tăng từ 20% đến 30%, thu nhập của thành viên HTX tăng từ 10% đến 15%/năm.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tham gia chương trình OCOP; chủ động đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP.
Thực hiện chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, tạo cơ hội để HTX sản xuất ra sản phẩm có sự nâng cấp về chất lượng, bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn và định hướng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường./.