Gỡ vướng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Xã hội - Ngày đăng : 10:56, 28/09/2023
Bộ tiêu chí chưa sát thực tế
CTMTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021. Chương trình có tổng kinh phí tối thiểu là 196.332 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương (NSTW) 39.632 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 156.700 tỷ đồng). Kế thừa và phát huy kết quả các giai đoạn trước, phong trào xây dựng NTM giai đoạn này gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại... và đã đạt được kết quả ban đầu rất quan trọng.
Tuy nhiên, kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội cho thấy còn không ít hạn chế, bất cập trong thực hiện CTMTQG xây dựng NTM. Đáng chú ý là các Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 đều tăng số lượng chỉ tiêu và mức độ đạt chuẩn so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu mới, tăng cả về chất và lượng, nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế; chưa ban hành tiêu chí NTM phù hợp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị.
Theo đánh giá của nhiều địa phương, Tiêu chí số 10 về thu nhập và Tiêu chí số 11 về Nghèo đa chiều là khó hoàn thành nhất, do các xã chưa đạt NTM ở các địa phương đa phần là các xã nghèo, xuất phát điểm thấp, thu nhập bình quân đầu người nông thôn còn thấp, trong khi mức chuẩn nghèo đa chiều đã có sự điều chỉnh. “Phần lớn các xã khi áp dụng Bộ tiêu chí xã NTM mới giai đoạn 2021-2025 đều bị tụt tiêu chí. Năm 2021 áp dụng Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020, bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã; sau khi ban hành Bộ tiêu chí 2021-2025, bình quân cả nước chỉ đạt 16,9 tiêu chí/xã" - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết.
Tính đến ngày 30/6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành chương trình NTM (Nam Định, Hà Nam, Đồng Nai, Hưng Yên, Hải Dương); có 1.145/3.513 thôn, bản, ấp (33%) được công nhận đạt chuẩn NTM.
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng chỉ ra, Bộ tiêu chí xã NTM về y tế quy định tỷ lệ khám, chữa bệnh điện tử. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau, nền tảng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa có ứng dụng chính thức về sổ sức khỏe điện tử để triển khai. Hiện nay, Bộ Y tế mới đang trong lộ trình xây dựng các quy định cụ thể về hồ sơ sức khỏe cá nhân, sổ sức khỏe điện tử, khám, chữa bệnh từ xa theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bên cạnh đó, kết quả xây dựng NTM còn chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM; một số địa phương vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí. Đoàn giám sát nhận định, đối chiếu với mục tiêu đặt ra đối với giai đoạn 2021-2025 thì để đạt được các mục tiêu trong xây dựng NTM là khá khó khăn.
Từ thực trạng trên, Đoàn giám sát kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu chưa phù hợp trong các Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, huyện NTM, huyện NTM nâng cao để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng vùng, miền hoặc hướng dẫn lộ trình thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đó. Đồng thời, nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện xây dựng huyện NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Những bất cập trong quản lý, sử dụng nguồn vốn
Về sử dụng nguồn vốn đầu tư của CTMTQG xây dựng NTM, số liệu của Bộ Tài chính cho biết, lũy kế đến hết tháng 6/2023, vốn đầu tư công của Chương trình năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 83%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 44,5%. Đây là tỷ lệ giải ngân cao nhất trong 3 CTMTQG.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát chỉ rõ, nguồn vốn đầu tư phát triển NSTW phân bổ chậm; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn NSTW năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu; khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp không cao. Đặc biệt, tỷ lệ vốn đối ứng của Chương trình rất cao, trong khi việc huy động nguồn lực của người dân và doanh nghiệp hạn chế, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Thực tế vốn huy động của người dân và cộng đồng chủ yếu là từ ngày công lao động và hiến đất làm đường. Trong khi đó, việc thống kê nguồn vốn huy động này cũng chưa có sự hướng dẫn, thống nhất.
Cùng với đó, cơ chế lồng ghép nguồn vốn NSTW của các CTMTQG để hỗ trợ xây dựng NTM trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo còn rất hạn chế, chưa thực sự hiệu quả. Một số địa phương vẫn còn tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Đơn cử, theo báo cáo của KTNN, số nợ đọng xây dựng cơ bản (bao gồm cả công trình thuộc giai đoạn 2016-2020) của tỉnh Phú Thọ đến hết niên độ năm 2022 là 193.858 triệu đồng, tỉnh Hải Dương là 407.282 triệu đồng.
Đồng thời, KTNN đã chỉ ra những vi phạm trong quản lý tài chính của Chương trình. Qua kiểm toán tại 15 tỉnh, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 145,7 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 307 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là điều chỉnh không tổng hợp vào quyết toán kinh phí của Chương trình giai đoạn 2021-2025 (nguồn ngân sách địa phương) là 299 tỷ đồng.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải làm rõ những vướng mắc, tồn tại, hạn chế, yếu kém, làm rõ vì sao giải ngân chậm, bởi như vậy là lãng phí rất lớn. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cần thống kê có bao nhiêu xã, huyện, thôn, bản tụt tiêu chí NTM; những địa phương nào còn nợ đọng xây dựng cơ bản, hay có tình trạng trục lợi chính sách không… để qua đó đánh giá được chất lượng của Chương trình, đánh giá sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như việc huy động các nguồn lực…/.