Phối hợp rà soát, tránh trùng lặp trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 12:58, 28/09/2023
Tại cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang tiến hành xây dựng KHTT năm 2024. Để đảm bảo tránh trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu các vụ chức năng rà soát, phối hợp với các vụ chức năng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) để xem xét xây dựng, điều chỉnh các cuộc thanh tra dự kiến theo kế hoạch cho phù hợp.
Thông tin về KHKT năm 2024, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thực hiện theo quy định của Luật KTNN và yêu cầu của Quốc hội, KTNN đã cơ bản hoàn tất việc xây dựng dự thảo KHKT năm 2024, trong đó, các đơn vị chức năng của KTNN đã thực hiện rà soát, tổng hợp số cuộc, số đầu mối kiểm toán dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Thông tin với Phó Tổng Thanh tra Chính phủ về một số nội dung cụ thể trong KHKT năm 2024, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, đối với các cuộc thanh tra hoặc kiểm toán, nếu trùng về đối tượng, khác về nội dung thì KTNN và TTCP vẫn tiến hành độc lập, song cần có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, đến quá trình triển khai thực hiện để kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp nhằm tránh chồng chéo, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đơn vị, địa phương.
KHKT năm 2024 của KTNN đã bám sát định hướng, quy định và yêu cầu của Quốc hội; đồng thời giảm thiểu tối đa sự chồng chéo với hoạt động thanh tra. Điều này thể hiện rõ qua thực tiễn kiểm toán những năm gần đây
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh
Theo đánh giá của các đại biểu, thời gian qua, vấn đề trùng lặp, chồng chéo trong KHKT và KHTT đã cơ bản được giải quyết. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo hai cơ quan thông qua nhiều giải pháp.
Trong Luật KTNN, cũng như trong các văn bản pháp luật có liên quan đều thể hiện rõ trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm toán; trong đó việc xử lý trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và KTNN được thực hiện ngay từ khi lập KHKT năm.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện KHKT, KHTT nếu phát hiện có sự chồng chéo, trùng lặp về đối tượng, phạm vi thanh tra, kiểm toán thì KTNN chủ trì phối hợp với cơ quan thanh tra để xử lý.
Để cụ thể hóa quy định này, KTNN và TTCP đã ký quy chế phối hợp công tác, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp ngăn ngừa, xử lý chồng chéo. Cụ thể, trước khi ban hành KHKT, KHTT, hai cơ quan sẽ tổ chức họp trao đổi ý kiến về dự kiến KHTT và KHKT năm để xử lý trùng lặp, chồng chéo theo quy định của Luật KTNN và Luật Thanh tra.
Theo đó, KTNN có trách nhiệm thông báo dự kiến KHKT năm của KTNN tới TTCP để gửi thanh tra Bộ, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý trùng lặp, chồng chéo khi xây dựng KHTT hàng năm.
TTCP có trách nhiệm hướng dẫn Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi xây dựng KHTT hàng năm gửi TTCP, đồng gửi KTNN để phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Trường hợp cần thiết thì Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo lãnh đạo TTCP để xem xét, quyết định.
“Khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo tại cùng một đơn vị thì KTNN và TTCP phối hợp xử lý, dựa trên quy định của Luật KTNN và Luật Thanh tra và sự thống nhất về nguyên tắc giữa hai cơ quan" - ông Vũ Ngọc Tuấn cho biết.
Phát biểu kết luận cuộc họp, lãnh đạo hai cơ quan khẳng định hai cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng KHTT, KHKT năm 2024; đồng thời giao các đơn vị chức năng trực thuộc hai cơ quan rà soát và trao đổi về các trường hợp cụ thể, liên quan đến kế hoạch của hai cơ quan và tổng hợp, báo cáo lãnh đạo hai cơ quan chỉ đạo, thống nhất thực hiện.
Năm 2024, KTNN xây dựng KHKT dự kiến với 123 nhiệm vụ kiểm toán (tiếp tục giảm so với 129 nhiệm vụ theo KHKT năm 2023).
Ngoài việc tập trung kiểm toán tại các cơ quan tài chính tổng hợp các cấp để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách, KTNN dự kiến lựa chọn một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn, phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội, quản lý điều hành của Chính phủ.