Sau bất động sản, đến lượt chứng khoán “xôn xao” về Thông tư 06
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 06:12, 29/09/2023
Những xôn xao gần đây về Thông tư 06 liên quan đến quy định cấm cho vay để gửi tiền, khi một số người cho rằng có thể làm thắt chặt hoạt động mua trái phiếu (của các ngân hàng phát hành) trên thị trường, theo đó hạn chế dòng tiền đối với thị trường.
Hết bất động sản lại đến chứng khoán
Thông tư 06 được ban hành từ cuối tháng 6/2023 và có hiệu lực từ đầu tháng 9/2023, quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, Thông tư 06 có quy định một số trường hợp không được cho vay để gửi tiền, không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn hoặc mua cổ phần công ty chưa niêm yết, không được cho vay góp vốn vào các dự án không đủ điều kiện kinh doanh, không được cho vay để bù đắp tài chính.
Một thời gian sau khi Thông tư 06 ban hành, giới kinh doanh bất động sản rộ lên làn sóng phản ứng, tập trung vào quy định TCTD không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, theo quy định của pháp luật.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực phần của Thông tư 06, trong đó có nội dung không được cho vay để góp vào dự án không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Các nội dung khác vẫn có hiệu lực thực hiện từ 1/9/2023.
Những tranh cãi liên quan đến Thông tư 06 tưởng chừng đã lắng xuống. Nhưng gần đây, giới chứng khoán lại dậy lên luồng ý kiến cho rằng, Thông tư 06 chính là “thủ phạm” khiến cho chứng khoán bị đổ dốc từ đầu tháng 9 đến nay.
Tại diễn đàn F319, nơi thu hút khá nhiều nhà đầu tư chứng khoán tham gia, một nhà đầu tư tạo chủ đề khơi ra vấn đề cho biết, Thông tư 06 lại hạn chế việc các công ty chứng khoán tiếp cận vốn vay và sẽ càng làm thị trường khó khăn hơn. Nội dung nhà đầu tư tỏ ra lo ngại chủ yếu liên quan đến quy định về việc cấm cho vay để gửi tiền tại Thông tư 06.
Việc có ảnh hưởng chưa thực sự rõ ràng
Những lập luận của một số nhà đầu tư dựa trên quan điểm cho rằng, quy định TCTD cấm cho vay để gửi tiền tại Thông tư 06 có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tài chính khá quan trọng về đầu tư/kinh doanh giấy tờ có giá do các TCTD phát hành. Đây là một nghiệp vụ thường được các doanh nghiệp và các công ty chứng khoán thực hiện nhằm tối ưu hóa nguồn vốn trong hoạt động kinh doanh tài chính.
Không chỉ các nhà đầu tư trên diễn đàn không gian mạng, ông Phùng Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS, cũng có chia sẻ cho biết, đúng là gần đây có xôn xao về vấn đề liên quan đến một số quy định của Thông tư 06 đến thị trường.
Mặc dù vậy, ông Kiên cũng cho rằng, việc này cũng chưa có cơ sở gì rõ ràng để đánh giá. Bởi gần đây, khi thị trường rơi vào chu kỳ đi xuống, cũng có khá nhiều luồng thông tin khác nhau cố gắng lý giải cho “hiện tượng” giảm điểm đó. “Tuy nhiên, một số trường hợp chỉ là quan điểm suy đoán cá nhân” - ông Kiên nói.
Trong khi đó, trong các nội dung tranh cãi vừa qua trong giới đầu tư chứng khoán, “điểm nhấn” được tập trung vào quan điểm cho rằng, hiện đang chưa có sự phân định rõ ràng về hành động mua trái phiếu của các TCTD trên thị trường thứ cấp (đã phát hành từ trước) có bị coi là gửi tiền hay không.
Bởi lẽ, hiện nay Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn liên quan không có định nghĩa về “gửi tiền” mà chỉ có định nghĩa về “nhận tiền gửi”. Đó là: “Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận”.
Như vậy, việc mua lại trái phiếu của các TCTD trên thị trường thứ cấp thực tế không làm phát sinh giao dịch mới về “nhận tiền gửi”, vì người mua trái phiếu thanh toán cho bên nắm giữ trái phiếu, chứ không phải mang tiền đến gửi vào ngân hàng.
Ở góc độ pháp luật, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI cho biết, với trái phiếu của ngân hàng đã phát hành trên thị trường thì việc mua lại là bình thường, hoàn toàn không thể coi là phát sinh giao dịch nhận tiền gửi của các ngân hàng nên không thể gây ra ảnh hưởng gì dẫn đến yêu cầu cần phải quản lý của ngành ngân hàng về cho vay.
Ông Đức cho biết, mục đích của NHNN cấm các ngân hàng cho vay để gửi tiền chủ yếu để quản lý việc tiền có khả năng chạy lòng vòng qua lại giữa các ngân hàng hàng, nhưng không tạo ra tăng trưởng tín dụng thật.
Tuy nhiên, theo ông Đức, việc tăng ảo này nếu có thì cũng không đáng kể và thực chất quy định cấm cho vay để gửi tiền này cũng không thực sự cần thiết vì nó phi thực tế so với khả năng quản lý. “Thực tế rất khó để phân định được trường hợp nào là vay để gửi tiền, trường hợp nào không, trong khi ảnh hưởng của nó nếu có thì cũng không quá lớn và quá quan trọng” - ông Đức nói.
Mục đích của quy định không được cho vay để gửi tiền Thực tiễn thời gian qua, qua công tác thanh tra, giám sát, NHNN nhận thấy, có phát sinh trường hợp TCTD đã thực hiện cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi đi lao động, học tập ở nước ngoài dưới hình thức vay tiền để gửi tiết kiệm hoặc khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ vay tiền đồng để gửi tiết kiệm. Liên quan đến vấn đề này, NHNN đã có văn bản số 9565/NHNN-CSTT ngày 06/12/2019 cảnh báo các TCTD. Bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng; không phải là tiền đi vay từ TCTD. Theo đó, Thông tư 06 bổ sung quy định TCTD không được cho vay vốn để gửi tiền nhằm đảm bảo kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay, cũng như đảm bảo phù hợp với bản chất của tiền gửi tiết kiệm, bản chất giao dịch chứng minh tài chính. |