Triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm

Xã hội - Ngày đăng : 08:05, 29/09/2023

(BKTO) - Hà Nội hiện có trên 104.000 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) với gần 2 triệu người tham gia BHXH, gần 7,8 triệu người tham gia BHYT.
1w.jpg
Hà Nội luôn hoàn thành chỉ tiêu hàng năm về tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm. Nguồn: TTXVN

Tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm cao hơn mức bình quân toàn quốc

Thành phố đã triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng ở địa phương để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH cho người lao động.

Với lực lượng lao động tham gia BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nước ngoài, Hà Nội luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu do HĐND, UBND thành phố và BHXH Việt Nam giao hàng năm về tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm. Theo đó, năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.982.762 người; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,9% dân số.

Tính đến cuối tháng 8/2023, số người tham gia BHYT là 7.778.900 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 93,25% dân số; số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.998.993 người, chiếm 42,2% so với lực lượng lao động.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được tăng cường. Trong tháng 8, BHXH thành phố thực hiện liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi với 48.304 trường hợp; liên thông đăng ký khai tử, trợ cấp mai táng phí đối với 424 trường hợp.

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai tích cực, đẩy mạnh thanh tra - kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại của người dân về chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Kết quả trong tháng 8, thành phố tiến hành thanh tra 2.890 cuộc, xử lý vi phạm và xử phạt số tiền gần 20 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật BHXH, BHYT được thực hiện một cách hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho người dân, đơn vị sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước; truyền thông ứng dụng dịch vụ công trực tuyến và truyền thông tiện ích của ứng dụng VssID - BHXH số.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ đọng

Mặc dù số người tham gia BHXH, BHYT của Hà Nội tăng nhanh qua các năm, tuy nhiên vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của một số đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm túc. Vẫn tồn tại tình trạng chậm đóng, trốn đóng, không tham gia BHXH hoặc tham gia BHXH không đầy đủ cho người lao động.

Số nợ BHXH, BHYT, BHTN của thành phố đã giảm so với những năm trước nhưng vẫn còn chiếm vài phần trăm kế hoạch thu; nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ BHXH, BHYT, BHTN thời gian dài với số tiền lớn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn tồn tại. Công tác giám định BHYT trên địa bàn thành phố cũng gặp không ít thách thức khi số cơ sở y tế ký hợp đồng rất lớn, tập trung tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến đặc biệt…

Tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Hội đồng Quản lý BHXH về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, UBND sẽ tiếp tục chỉ đạo BHXH Thành phố rà soát, đẩy mạnh phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, đảm bảo hiệu quả công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế .

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường cho biết, thời gian tới, Hội đồng Quản lý sẽ phát huy hơn nữa vai trò tham mưu, đồng hành với các Bộ, ngành liên quan trong việc sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT để đưa ra các giải pháp tháo gỡ từ gốc.

Thành phố Hà Nội cần tăng cường, quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn; đưa chương trình, kế hoạch phát triển BHXH, BHYT, BHTN vào kế hoạch dài hạn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đề ra.

Về sử dụng, kiểm soát an toàn quỹ BHYT, UBND Thành phố cần tìm giải pháp khắc phục, cố gắng sử dụng quỹ an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế các chi phí, hiện tượng bất hợp lý; đồng thời đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động cho các cơ sở y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, giao tự chủ theo lộ trình, giảm áp lực; tiếp tục chỉ đạo tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả triển khai chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; BHTN; đẩy mạnh thanh tra, phát hiện và xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT; đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với thực tiễn tại địa phương, mở rộng hệ thống các điểm thu; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người dân và người lao động./.

THÙY LÊ