Đảm bảo thời gian phù hợp cho công tác kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 19:01, 29/09/2023

(BKTO) - Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, việc rút ngắn lộ trình ngân sách về mặt thời gian theo đề xuất của Chính phủ sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện các công tác quyết toán, kiểm toán. Vì vậy, cần nghiên cứu quy định thời gian phù hợp để Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Sáng 28/9, tiếp tục Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm.

anh-tho28.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo về lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm.

Trên cơ sở đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các nội dung trọng tâm liên quan tới: Hồ sơ Chính phủ trình UBTVQH; làm rõ sự cần thiết phải rút ngắn thời gian quyết toán, cơ sở để đề xuất lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm theo đề xuất của Chính phủ; tính đồng bộ của quy trình quyết toán với quá trình nghiên cứu, sửa Luật NSNN năm 2015…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá về tính đồng bộ, phù hợp trong việc thực hiện quyết toán NSNN theo các quy định hiện hành của Luật NSNN và các luật có liên quan. Đồng thời cho ý kiến về giải pháp rút ngắn quy trình quyết toán NSNN, trong đó làm rõ về sự cần thiết, tính hợp lý trong việc thí điểm rút ngắn quy trình quyết toán NSNN tại một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương như đề xuất của Chính phủ; sửa đổi, hoàn thiện hệ thống mẫu biểu quyết toán NSNN; việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin;...

Về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, theo quy trình quyết toán NSNN, nội dung này được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội giao trong khi chưa sửa Luật NSNN, Chính phủ xây dựng Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện rút ngắn quy trình quyết toán NSNN tại một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương là phù hợp với quy định tại Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, đây là nghị quyết quy phạm pháp luật; vì vậy trình tự, thủ tục xây dựng ban hành nghị quyết phải tuân thủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, trong quy trình rút ngắn lộ trình quyết toán ngân sách, về mặt thời gian, Kiểm toán nhà nước chỉ tham gia một khâu. Tuy nhiên, lộ trình gửi báo cáo của địa phương hiện nay theo như đề xuất của Chính phủ là ngày 01/9, trong khi ngày 20/9 phải có báo cáo kiểm toán. Khoảng thời gian này là khó khăn để thực hiện các công tác quyết toán, kiểm toán.

Vì vậy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đề nghị Chính phủ nghiên cứu lại khoảng thời gian phù hợp, theo hướng giãn thời gian để Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, việc Chính phủ báo cáo UBTVQH về lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm là có căn cứ thực tiễn, có cơ sở pháp lý.

“Kinh nghiệm quốc tế cũng không có quốc gia nào có thời gian phê chuẩn quyết toán kéo dài như của Việt Nam. Các nước trên thế giới đều có thời hạn phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước từ 6 tháng đến 10 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Để tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện xây dựng báo cáo, tờ trình lộ trình rút ngắn quy định thời gian quyết toán NSNN hằng năm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) bảo đảm đầy đủ theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 sửa đổi một số điều của Luật NSNN về rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN để áp dụng năm 2025 phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2024.

Trường hợp không kịp sửa đổi một số điều Luật NSNN trong năm 2024, Chính phủ khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị quyết thí điểm rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 làm căn cứ để tổ chức thực hiện, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2024 ngay trong năm 2025./.

Đ. KHOA