Trí tuệ nhân tạo có làm mất đi nhiều việc làm?

Xã hội - Ngày đăng : 08:17, 01/10/2023

(BKTO) - Dù công nghệ thông tin (CNTT) đang là ngành hot và tạo ra nhiều việc làm nhưng sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng khiến ngành này đứng trước nhiều thách thức. Liệu AI có làm mất đi nhiều việc làm?
ai.jpg
AI sẽ làm mất đi công việc của nhiều người nhưng  cũng tạo ra nhiều cơ hội mới, việc làm mới. Ảnh minh họa

Lương cao nhưng vẫn khó tuyển nhân sự IT

Theo thống kê, lực lượng làm trong lĩnh vực CNTT hiện nay khoảng 530.000 người. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam cần khoảng 700.000 người làm về CNTT và đang thiếu khoảng 200.000 người.

Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023 do TopDev vừa công bố cho thấy, dù lương, tiền thưởng trong ngành CNTT (IT) tiếp tục tăng lên nhưng điều này vẫn chưa đủ để thu hút nhân lực. Thị trường hiện vẫn thiếu hụt 150.000 - 200.000 lập trình viên, kỹ sư hằng năm.

Hiện nay, số lượng lập trình viên của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 530.000 người. Về xu hướng, số sinh viên CNTT nhập học mỗi năm vào khoảng 50.000 - 57.000 người. Trong số hơn 57.000 kỹ sư công nghệ bước vào thị trường lao động mỗi năm, chỉ khoảng 30% nhân sự đáp ứng được những kỹ năng, chuyên môn và yêu cầu thực tế mà doanh nghiệp đặt ra.

70% còn lại cần được bố trí đào tạo thêm tại doanh nghiệp trong 3 - 6 tháng để làm quen với công việc và môi trường làm việc. Lao động Việt Nam được đánh giá là có khả năng tiếp thu nhanh về lý thuyết nhưng còn hạn chế về kỹ năng ứng dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc Sản xuất Tập đoàn Gameloft, chuyên gia hàng đầu với hơn 15 năm kinh nghiệm quản lý trong ngành CNTT - thẳng thắn cho rằng, dù CNTT đang là ngành hot và tạo ra nhiều việc làm nhưng sự xuất hiện của AI cũng khiến ngành này đứng trước nhiều thách thức.

Theo ông Dũng, cách đây 10 năm, khi AI được đưa vào sử dụng, nhiều ý kiến cho rằng AI có thể thay thế những nghề đơn giản trước và những công việc mang tính trí tuệ như đồ họa, sáng tạo, nhiếp ảnh hay lập trình gần như không bao giờ thay thế được. Nhưng với những bước tiến phát triển mới, nhất là ứng dụng AI, lập trình là một trong những công việc được dự báo sẽ tác động trong khoảng 2 - 3 năm tới. Đơn cử, trước đây, việc xây dựng một sản phẩm phải mất hơn 3 ngày, nay dùng chat GPT và AI, sản phẩm dạng như vậy chỉ cần 3 tiếng.

“Cách đây một năm, trước thời điểm Chat GPT ra đời, Github Copilot (một công cụ AI hỗ trợ lập trình viên bằng cách tự động hoàn thành mã code) đã giúp người dùng gõ code nhanh hơn, trực tiếp ở trong Visual Studio Code (là một ứng dụng soạn thảo các loại code, để hỗ trợ người dùng trong quá trình áp dụng thiết kế website, hay biên tập code). Từ đó, các lập trình viên có thể hoàn thành công việc của mình chỉ trong một nửa thời gian so với trước kia”- ông Dũng nói.

Nâng cao kỹ năng mềm

Theo ông Gilbert F. Houngbo - Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhiều cảnh báo cho rằng AI sẽ "cướp" đi công việc của nhiều người. Nhưng chúng cũng tạo ra nhiều cơ hội mới, việc làm mới. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là phải đảm bảo những người lao động làm việc trong các lĩnh vực có thể biến mất nâng cao được kỹ năng, đón nhận xu thế mới, loại hình công việc mới. Muốn vậy, cần chú trọng giáo dục kỹ năng, nghề nghiệp. Việc học là rất quan trọng và là việc cả đời.

“Chính phủ có thể khuyến khích các chương trình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mới, tạo ra các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia. Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chung tay với Chính phủ để thực hiện điều này” - ông Gilbert F. Houngbo cho biết.

Dù đưa ra những cảnh báo AI sẽ khiến nhiều việc làm “bị biến mất” nhưng ông Dũng khẳng định, AI sẽ tạo ra nhiều công việc, vị trí mới hơn. Tuy nhiên, những việc làm này sẽ đòi hỏi kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng mềm cao hơn.

Ông Dũng cho biết, hiện nay theo thống kê, lực lượng làm việc trong lĩnh vực CNTT khoảng 530.000 người. Sinh viên nhập học liên quan đến lĩnh vực phần mềm ước tính từ 50.000 - 57.000 người mỗi năm. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam cần khoảng 700.000 người làm về CNTT và đang thiếu khoảng 200.000 người.

Dù vậy, ông Dũng cho rằng, nếu không có sự định hướng lại nghề nghiệp cũng như nâng cao trình độ, đặc biệt là kỹ năng mềm thì cơ hội do AI tạo ra sẽ trở thành thách thức lớn đối với lao động trẻ khi tìm việc.

Thực tế, khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ các phiên giao dịch việc làm về định hướng nghề nghiệp của giới trẻ cho thấy, 80% sinh viên, học sinh chọn nghề theo tâm lý phong trào. Việc lựa chọn nghề chưa dựa theo đam mê và thực lực chính bản thân.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Hoa Trung - người sáng lập và điều hành Dự án “Nuôi em”, cựu học viên Hệ thống đào tạo Lập trình viên quốc tế Aptech - cũng cho rằng, AI có thể thay thế một số công việc nhưng không thể thay thế sự sáng tạo. Do đó, người lao động cần trang bị thêm tiếng Anh và kỹ năng mềm, khám phá và thử nghiệm thêm nhiều công nghệ và lĩnh vực mới, có như thế mới tận dụng được AI để chia sẻ và đóng góp cho xã hội.

Còn theo ông Chu Tuấn Anh - Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech, tác động của AI đối với thị trường việc làm, ngành nghề dù mới diễn ra nhưng chúng ta đã thấy rất rõ. Thế nhưng, thế hệ trẻ dường như vẫn đứng ngoài cuộc mà chưa có bất kỳ định hướng nào cho nghề nghiệp. Thậm chí, nhiều bạn trẻ “ảo tưởng” khi ra trường tìm kiếm “việc nhẹ lương cao” mà quên mất một điều quan trọng rằng mình đang bị “hổng” cả kiến thức lập nghiệp cũng như kiến thức sống./.

THÀNH ĐỨC - MINH LONG