Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng lần đầu tiên vượt mức 50%

Kinh tế - Ngày đăng : 17:48, 02/10/2023

(BKTO) - Đến hết tháng 9/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 51,38%. Năm 2023 là năm đầu tiên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng vượt mức 50%, trong khi số lượng vốn năm nay lớn hơn năm 2022 tới 110.000 tỷ đồng.
4(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin tại Họp báo. Ảnh: HỒNG NHUNG

Thông tin tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương cho biết, tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33% - vượt khỏi những mong đợi trước đây, đóng góp vào tăng trưởng 9 tháng là 4,24%. Trong đó, điểm nhấn là nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng của nền kinh tế tháng sau tốt hơn tháng trước, đóng góp vào tổng thể quý sau tốt hơn quý trước.

“Mặc dù số không phải quá nhiều, không phải đột phá nhưng như vậy đã là rất tốt so với bối cảnh kinh tế thế giới đang rất khó khăn. Nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới thì tăng trưởng của chúng ta là cao. Trong khu vực châu Á, so với Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, chúng ta đều cao hơn, thậm chí hơn cả những nước châu Âu như Anh, Pháp, kể cả Mỹ” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước thời gian tới, Bộ KH&ĐT đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023:

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).

Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.

Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Bình luận về 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế, lãnh đạo Bộ KHĐT cho hay, về tiêu dùng trong nước, khi thị trường xuất khẩu khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt thì việc quay về thị trường trong nước là tín hiệu tốt. Mặc dù thời gian qua, tiêu dùng trong nước phát triển chưa như mong đợi nhưng có đóng góp tích cực, bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm tăng trên 9% so với cùng kỳ.

Động lực thứ hai là về xuất khẩu, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Ở đây, nhìn vào con số xuất siêu rất to nhưng phần nhập khẩu của chúng ta giảm nhiều, chênh lệch giữa xuất khẩu với nhập khẩu ở mức rất cao. Trong khi đó, nhập khẩu của chúng ta là nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ sản xuất.

“Nó phản ánh đúng thực trạng tình hình thế giới khó khăn, chúng ta thiếu đơn hàng nên tình hình sản xuất trong nước thu hẹp, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thấp. Tuy nhiên, một điều rất mừng và nó cũng gắn với xu thế tăng trưởng kinh tế, đó là mặc dù xuất khẩu của chúng ta giảm nhưng con số cho thấy, tháng sau tiến bộ hơn tháng trước, con số giảm về xuất khẩu cũng thấp dần đi” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Về đầu tư công, lãnh đạo Bộ KHĐT nhấn mạnh, đây là động lực hết sức quan trọng và cả xã hội rất quan tâm.

“Đối với đầu tư công 9 tháng, chưa năm nào chúng ta vượt qua 50%. Năm nay, chúng ta đã vượt qua, đây là điều rất vui. Chưa kể, năm 2023 không giống các năm trước. Năm nay, lượng vốn cực nhiều mà tỷ lệ tương đối chúng ta đạt cao như vậy là điều rất tốt. Số tiền tuyệt đối mà chúng ta giải ngân cao hơn năm ngoái là 110.000 tỷ đồng - đây là con số rất lớn” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định./.

HỒNG NHUNG