Phát huy hiệu lực của kiểm toán nội bộ trong nền kinh tế
Đầu tư - Ngày đăng : 09:05, 27/08/2018
(BKTO) - Kiểm toán nội bộ (KTNB) có vai trò quan trọng, thiết yếu trong nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập và tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, nhận thức và vận hành chức năng KTNB còn chưa đầy đủ; khuôn khổ pháp lý hạn chế, nhân lực KTNB còn thiếu và yếu… Những rào cản này cần sớm được tháo gỡ để KTNB thực sự phát huy hiệu lực trong nền kinh tế.
Quan trọng nhưng chưa được chú trọng
Chia sẻ tại Hội thảo “Cách thức xây dựng và vận hành chức năng KTNB hiệu quả tại Việt Nam và các thông lệ quốc tế” do Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam phối hợp với Tổ chức đào tạo Smart Train và Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ (IIA) tổ chức ngày 21/8, nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động KTNB góp phần quan trọng vào sự minh bạch tài chính và sự phát triển bền vững. Thông qua bộ phận này, nhà quản lý sẽ có những thông tin chính xác và kịp thời về tình hình hoạt động của DN, từ đó đưa ra những quyết định quản lý đúng đắn. Ông Richard F.Chambers - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc IIA, nhấn mạnh: KTNB không điều hành DN nhưng KTNB sẽ đưa ra những đánh giá, dự báo giúp cho ban điều hành điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình. KTNB phải là “ngọn hải đăng” trong đổi mới sáng tạo của DN.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, ở Việt Nam hiện nay, phần lớn các tổ chức tài chính nhà nước, các DN chưa hiểu đúng cũng như chưa vận hành đúng chức năng của KTNB. Bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) - cho biết, theo quy định hiện hành về KTNB ở Việt Nam, 4 khối DN bắt buộc phải có tổ chức KTNB là các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và DN bảo hiểm.
Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có một số DN niêm yết, DNNN, các tập đoàn lớn quan tâm tổ chức bộ phận KTNB và hướng theo thông lệ quốc tế, còn phần lớn các DN chưa có bộ phận này. Theo Báo cáo thẻ điểm quản trị ASEAN 2015-2016, trong 55 DN niêm yết của Việt Nam tham gia đánh giá, chỉ có 40% công ty có bộ phận KTNB độc lập (khoảng 22 công ty), 60% công ty không có bộ phận KTNB (33 công ty). Trong 40% công ty có bộ phận KTNB, chỉ có 20% (khoảng 5 công ty) công bố danh tính của trưởng ban KTNB; không có DN nào công bố việc bổ nhiệm và bãi nhiệm nhân viên KTNB phải thông qua ban kiểm soát để đảm bảo tính độc lập.
Bà Trương Hạnh Linh - Giám đốc điều hành khối Dịch vụ KTNB và Tư vấn rủi ro của KPMG - cho rằng, KTNB ở Việt Nam chủ yếu vẫn thiên về kiểm soát tuân thủ, chưa có tầm nhìn chiến lược phát triển dài hạn nên việc đưa ra các tư vấn cho quản trị DN chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Nhân sự thực hiện chức năng KTNB còn thiếu hiểu biết về phương pháp luận và kỹ năng; quy trình KTNB chậm được cải tiến và nâng cao hiệu quả…
Đầu tư nguồn lực xứng đáng, ban hành hướng dẫn về Kiểm toán nội bộ
Phân tích về nguyên nhân của thực trạng trên, các diễn giả tại Hội thảo cho rằng: Do chưa có khuôn khổ pháp lý cụ thể quy định và hướng dẫn về KTNB nên việc tổ chức KTNB ở Việt Nam còn hạn chế, không phát huy được vai trò, tác dụng của KTNB. Bản thân các DN cũng chưa nhận thức hết về vai trò, tác dụng của KTNB dẫn đến chưa xây dựng được KTNB theo đúng các thông lệ tốt; chưa có bộ phận KTNB như là một “tuyến phòng thủ” cuối cùng trong việc ngăn ngừa rủi ro. Bên cạnh đó, hoạt động nghề nghiệp về KTNB tại Việt Nam cũng chưa được chuẩn hoá; chưa có chuẩn mực nghề nghiệp KTNB được ban hành; đội ngũ làm KTNB còn thiếu và chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, chuyên nghiệp.
Theo PGS.TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Luật Kế toán năm 2015 có hẳn một điều (Điều 39) quy định về kiểm soát nội bộ và KTNB, tuy nhiên, đến nay, văn bản hướng dẫn cách thức vận hành KTNB Việt Nam vẫn chưa có. Đây là vấn đề đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. “Chúng ta cần có nhận thức đúng hơn, đầy đủ hơn về cách thức vận hành KTNB ở Việt Nam và rất mong Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn để Luật Kế toán 2015 sớm đi vào cuộc sống, để công cụ KTNB thực sự phát huy hiệu lực trong nền kinh tế” - ông Đặng Văn Thanh nói.
Đối với bản thân mỗi DN, ông Hoàng Hùng - Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, cho rằng: DN và các nhà đầu tư cần xác định vị thế của KTNB trong DN để đầu tư nguồn lực xứng đáng thúc đẩy KTNB phát triển đúng hướng. Để kiểm soát chất lượng và mức độ trưởng thành của KTNB, cần có cơ chế và quy định đánh giá chất lượng KTNB thường xuyên hay định kỳ… nhằm vận hành chức năng KTNB đạt thông lệ quốc tế.
Từ góc độ quản lý nhà nước, bà Lê Thị Tuyết Nhung cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn nhằm xây dựng và vận hành chức năng KTNB trong các đơn vị, tổ chức, DN, trong đó quy định đầy đủ về: các đơn vị phải tổ chức KTNB; mô hình tổ chức, mục tiêu, nhiệm vụ của KTNB; các nguyên tắc cơ bản của KTNB; nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp; bổ nhiệm, miễn nhiệm kiểm toán viên nội bộ, trưởng KTNB; thuê dịch vụ KTNB; quy chế, quy trình KTNB… “Chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy sự ra đời của Nghị định này, đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng các thông lệ quốc tế vào Việt Nam và hỗ trợ cho các DN trong quá trình thực hiện” - bà Nhung nói.
N. HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 23-8-2018