Gia Lai: Giải ngân chương trình mục tiêu nông thôn mới đạt thấp
Địa phương - Ngày đăng : 17:25, 04/10/2023
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Gia Lai, tổng vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cho Chương trình là 794,719 tỷ đồng (bao gồm vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 là 310,049 tỷ đồng).
Riêng vốn kế hoạch năm 2023 là 484,67 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương là 365,155 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 119,515 tỷ đồng). Trong đó, tổng vốn kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 là 335,25 tỷ đồng, kế hoạch vốn đã giải ngân là 76,9 tỷ đồng, đạt 22,93% kế hoạch.
Tổng vốn sự nghiệp năm 2023 là 149,42 tỷ đồng, đã giải ngân 17,1 tỷ đồng, đạt 11,46% kế hoạch.
Như vậy so với mục tiêu đề ra, kết quả giải ngân nguồn vốn cho Chương trình đang ở mức thấp.
Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn NTM, đạt 50%; 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (gồm: Thành phố Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa); có 131 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó có 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ tiêu chí xã NTM của Gia Lai đạt kết quả tích cực, hầu hết các tiêu chí đạt cao trên 70%
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh chuyên đề về đánh giá việc triển khai Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh: Kết quả triển khai thực hiện Chương trình MTQG còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành quy định định mức chi ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án, nhiệm vụ phát triển sản xuất để các địa phương có cơ sở giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG. Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục thanh, quyết toán các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình NTM...
Sở NNPTNT tỉnh - cơ quan quản lý Chương trình có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện từng Chương trình theo quy định và kịp thời hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; định kỳ báo cáo về tình hình, tiến độ thực hiện các chương trình; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh và cấp có thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn trong triển khai thực hiện chương trình MTQG trên địa bàn; rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để tập trung thực hiện bảo đảm tiết kiệm, tránh dàn trải, rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu: Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân phải đi đôi với việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả của từng chương trình, dự án; đồng thời tăng cường công tác giám sát đối với giải ngân vốn, quản lý chất lượng, hiệu quả của dự án, chương trình.
Đây cũng chính là mục tiêu được Kiểm toán nhà nước (KTNN) đặt ra, khi thực hiện kiểm toán đối với Chương trình MTQG về xây dựng NTM vừa qua. Theo đó, năm 2023, KTNN thực hiện kiểm toán Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tại Bộ NNPTNT và nhiều địa phương trên cả nước. Qua kiểm toán cho thấy, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 còn nhiều bất cập, hạn chế trong công tác quản lý Chương trình; quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình…
Qua kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, KTNN cũng kiến nghị các địa phương ban hành cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành giai đoạn 2021-2025; kiểm tra, rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu các nguồn vốn đã đầu tư cho Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của địa phương; tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án trong Chương trình đảm bảo bố trí vốn thực hiện đầu tư đúng nội dung, đối tượng và bố trí nguồn vốn phù hợp với quy định Chương trình; đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn Chương trình.../.
Đối với Bộ NNPTNT, KTNN kiến nghị rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình để kịp thời tham mưu cho các cơ quan chức năng sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương (vùng, miền), phát huy hiệu quả của Chính sách, đảm bảo thuận lợi cho các địa phương thực hiện Chương trình.