Đổi mới và phát triển dạy nghề: Còn nhiều khó khăn, thách thức

Xã hội - Ngày đăng : 09:25, 27/08/2018

(BKTO) - Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), sau 5 năm triển khai Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 và Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” giai đoạn 2011-2015, quy mô tuyển sinh, số lượng người được đào tạo nghề ngày càng tăng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề vẫn còn những khó khăn, hạn chế.


Đổi mới dạy nghề chưa đạttiến độ và mục tiêu đề ra

Nhiều hạn chế trong công tác đào tạo nghề đã được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thẳng thắn chỉ ra, như: cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không phù hợp, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng, miền chậm được khắc phục; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN còn thấp; mối quan hệ giữa cơ sở GDNN và DN còn lỏng lẻo; công tác quản lý nhà nước về GDNN vẫn mang tư duy bao cấp, chưa đủ sức kiến tạo cho sự phát triển của GDNN… Ngoài ra, việc triển khai đào tạo nghề chất lượng cao còn chậm; chương trình, giáo trình đào tạo nghề còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

Trong Báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ LĐ-TB&XH năm 2016, KTNN cũng chỉ rõ, kết quả thực hiện Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” giai đoạn 2011-2015 không đảm bảo tiến độ theo Quyết định số 371/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012-2015 và còn một số hạn chế trong việc ký kết hợp đồng về giá cả, điều khoản thanh toán toàn bộ chương trình…

Cụ thể, theo Quyết định số 371/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã gia hạn tiếp nhận, chuyển giao 34 bộ chương trình cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế được kiểm định và công nhận chất lượng từ năm 2015 sang 2017. Đến thời điểm kiểm toán, Tổng cục GDNN đã tiếp nhận, chuyển giao 20/34 bộ chương trình của nghề trọng điểm quốc tế, khu vực, đạt 59% kế hoạch được giao. Kết quả kiểm toán đối với 14 hợp đồng mua, chuyển giao 14 chương trình của 14 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Đức và hợp đồng kiểm định, công nhận chất lượng 8 nghề đạt chất lượng Đức được chuyển giao từ Malaysia năm 2012 cho thấy một số bất cập, hạn chế về bản quyền sử dụng giáo trình cũng như về giá cả; việc thanh toán tạm ứng vượt mức quy định.

Đào tạo lao động theo mô hình quốc tế

Theo đánh giá của KTNN, những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện đã làm giảm tính hiệu quả của Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” giai đoạn 2011-2015.

Lý giải nguyên nhân chậm trễ trong việc chuyển giao, thực hiện thí điểm các bộ chương trình, đại diện lãnh đạo Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, đây là chương trình thí điểm theo chất lượng quốc tế đầu tiên ở Việt Nam, chưa có tiền lệ trong cả quy định pháp luật và thực tiễn; cơ chế, chính sách của Nhà nước, nhất là các quy định về tài chính còn bất cập dẫn đến những hạn chế nêu trên. Tổng cục GDNN đã nghiêm túc chấn chỉnh những hạn chế được nêu, đồng thời rút ra bài học để thực hiện tốt hơn các chương trình giai đoạn sau.

Trao đổi với Báo Kiểm toán, Nhà giáo ưu tú, TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) - cũng lý giải thêm về những khó khăn trong việc chuyển giao, tổ chức đào tạo thí điểm các bộ chương trình theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là những khó khăn trong công tác chuẩn bị các điều kiện đáp ứng theo tiêu chuẩn của nước chuyển giao.

Theo TS. Hùng, hiện nay, 22 nghề đã thực hiện chuyển giao chương trình từ Đức năm 2017 sẽ được tổ chức đào tạo thí điểm theo mô hình ở Đức từ năm 2019, dự kiến kết thúc vào năm 2025. Việc đào tạo thí điểm 22 nghề này được tổ chức theo mô hình đào tạo nghề “kép” của Đức, đây là mô hình đào tạo đòi hỏi có sự gắn kết chặt chẽ với DN, sinh viên được bố trí nhiều thời gian học, thực hành. Ngoài ra, Tổng cục GDNN đang tổ chức thí điểm đào tạo 12 nghề đã thực hiện chuyển giao chương trình Úc tại 25 trường cao đẳng với 41 lớp cho gần 800 sinh viên và bước đầu ghi nhận kết quả tốt.

Cũng theo ông Hùng, định hướng đổi mới nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 đặt mục tiêu GDNN đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Do đó, việc thực hiện hiệu quả các bộ chương trình đào tạo quốc tế sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu nêu trên.

Đại diện Tổng cục GDNN cũng nêu một số khó khăn trong quá trình triển khai chương trình và kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện đào tạo thí điểm 34 nghề đã chuyển giao theo 34 bộ chương trình đến hết năm 2025 (thay cho đến năm 2020) nhằm đảm bảo tính hiệu quả của chương trình cũng như đáp ứng mục tiêu đề ra.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 23-8-2018