Nâng cao hiệu quả đánh giá về môi trường qua kiểm toán lồng ghép

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 17:52, 05/10/2023

(BKTO) - Xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngày càng trở nên cấp thiết, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chú trọng kiểm toán môi trường (KTMT) với nhiều hình thức đa dạng. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, việc tăng cường đánh giá nội dung về bảo vệ môi trường thông qua các cuộc kiểm toán lồng ghép là giải pháp cần được chú trọng hơn nữa.

dsc_6357-1600x1200-.jpg
Kiểm toán viên theo dõi sự biến đổi mới các yếu tố liên quan đến môi trường qua bảng điện tử. Ảnh: N.Lộc

Quan tâm đánh giá về môi trường thông qua kiểm toán lồng ghép

Thời gian qua, KTNN đã tiến hành một số hoạt động KTMT để qua đó đánh giá, kiến nghị hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, ngoài các cuộc kiểm toán chuyên sâu về lĩnh vực KTMT, KTNN đã linh hoạt tổ chức nội dung đánh giá về bảo vệ môi trường thông qua các cuộc kiểm toán lồng ghép trong nhiều nội dung, lĩnh vực khác, như: kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán ngân sách Bộ, ngành…

Theo KTNN chuyên ngành IV, thực hiện nhiệm vụ kiểm toán đối với lĩnh vực dự án đầu tư xây dựng, các đoàn kiểm toán của đơn vị đã có nhiều đánh giá đối với công tác bảo vệ môi trường. Qua kiểm toán cho thấy, vấn đề bảo vệ môi trường chưa thực sự được các đơn vị được kiểm toán quan tâm. Nhiều dự án còn thiếu đánh giá tác động môi trường; phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)…

dsc_6333.jpg
KTNN ngày càng chú trọng đến KTMT và đa dạng hóa các hình thức kiểm toán. Ảnh TL

Đây cũng là nhận định chung được các đơn vị kiểm toán cho biết, qua thực tiễn triển khai kiểm toán. Theo đó, đơn vị đã chú trọng đưa nội dung về môi trường vào kế hoạch kiểm toán chi tiết và hướng dẫn trước khi thực hiện cuộc kiểm toán, từ đó, trong quá trình triển khai các đoàn kiểm toán đã cơ bản tuân thủ thực hiện tốt nội dung này.

Đơn cử, năm 2020, khi kiểm toán một số dự án giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư phát hiện “tại tỉnh Long An, còn phê duyệt chủ trương đầu tư khi dự án chưa lập ĐTM”; trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng vẫn có tình trạng “phê duyệt chủ trương khi chưa có ĐTM như Dự án đầu tư xây dựng nút giao Nam cầu Bính, Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường nối từ cầu Lạng Am đến cầu Nhân Mục, huyện Vĩnh Bảo; Dự án Hồ chứa nước Đồng Mít...

Từ thực tiễn triển khai KTMT với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có kiểm toán lồng ghép nội dung về môi trường, lãnh đạo KTNN chuyên ngành III cho biết, dù được triển khai dưới bất cứ hình thức nào, các cuộc kiểm toán đều hướng đến mục tiêu chung, đó là phát hiện bất cập, sai phạm, từ đó kiến nghị chấn chỉnh, cũng như kiến nghị điều chỉnh chính sách, quy định để các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Qua công tác kiểm toán, KTNN đã có những đánh giá, kết luận và kiến nghị rất xác đáng, cụ thể về việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành hay chính quyền địa phương trong bảo vệ môi trường như hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc bảo vệ môi trường

KTNN chuyên ngành III

Chú trọng nâng cao phát hiện kiểm toán

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện lồng ghép nội dung về môi trường trong các cuộc kiểm toán khác còn gặp một số vướng mắc, như: bố trí kiểm toán viên thực hiện cả cuộc kiểm toán chính và cuộc KTMT lồng ghép nên ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán do khối lượng công việc lớn. Quá trình tiến hành kiểm toán, còn trường hợp chưa chú trọng đến phương pháp kiểm tra thực tế hiện trường nên đôi khi các bằng chứng thu thập chưa thật sự phù hợp...

Do đó, các ý kiến cho rằng, để đảm bảo thuận lợi, cũng như nâng cao phát hiện đối với nội dung về môi trường trong kiểm toán lồng ghép, các đơn vị kiểm toán cần bố trí nhân lực và thời gian thỏa đáng để thực hiện cuộc kiểm toán; không bố trí kiểm toán viên tham gia KTMT vào cuộc kiểm toán khác trong kiểm toán lồng ghép để tránh ảnh hưởng đến kiểm toán viên do phải tiếp cận những quy định khác nhau của pháp luật, những thông tin khác nhau của các đầu mối kiểm toán trong thời gian ngắn của cuộc kiểm toán.

Từ thực tiễn kiểm toán và qua nghiên cứu, ThS. Nguyễn Thị Kiều Thu (KTNN chuyên ngành III) lưu ý, khi lựa chọn chủ đề KTMT để lồng ghép trong các cuộc kiểm toán khác nên hạn chế việc trùng lặp các đầu mối sẽ thực hiện kiểm toán giữa KTMT và nội dung kiểm toán khác (như kiểm toán về quản lý bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải, rác thải có thể có đầu mối kiểm toán là Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Xây dựng, trong khi đó nếu lồng ghép trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương thì Sở Tài nguyên và Môi trường hay sở Xây dựng cũng có thể được kiểm toán…).

Từ góc độ đơn vị quản lý, thực hiện dự án, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, KTNN cần tăng cường tiền kiểm đối với các lĩnh vực được kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán dự án. Bởi, các vấn đề liên quan, trong đó có nội dung môi trường được đặt ra từ giai đoạn chuẩn bị dự án, do đó, nếu kiểm toán sớm sẽ giúp chủ đầu tư nhìn nhận và nghiêm túc hơn trong việc chấp hành, hoàn thiện các thủ tục, tránh tình trạng nhiều dự án dược phê duyệt, thậm chí là triển khai mà chưa có ĐTM.

dsc_5855.jpg
Kiểm toán viên KTNN chuyên ngành III khảo sát thực tế về tình hình nhiễm mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: N.Lộc

Đây cũng là vấn đề đã được KTNN nhìn nhận và đặt ra trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Theo đó, Chiến lược cũng đã đề ra mục tiêu thực hiện hoạt động “tiền kiểm” với dự án đầu tư trọng điểm quốc gia…, quan tâm đến vấn đề môi trường. Do đó, cần thiết tổ chức và tăng cường hoạt động này trong kế hoạch kiểm toán của KTNN để giảm thiểu những rủi ro cho môi trường khi các dự án lớn được tiến hành nhưng ĐTM của dự án chưa đảm bảo. Bởi “hậu quả về sau đối với môi trường và đời sống xã hội sẽ không lường được, nếu dự án không đảm bảo đánh giá tác động môi trường” - TS. Vũ Đình Ánh lưu ý.

Bên cạnh đó, để thuận lợi trong quá trình kiểm toán, các đơn vị kiểm toán ngoài việc cập nhật thông tin của các đầu mối được giao phụ trách, cần thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động nhiệm vụ của các đơn vị, thông tin về các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia được giao nhiệm vụ thực hiện, từ đó phối hợp, trao đổi với các đầu mối để tổ chức hoạt động tiền kiểm.

Theo KTNN khu vực V, xác định nguồn nhân lực tham gia kiểm toán đóng vai trò đặc biệt quan trọng, các ý kiến cũng đề nghị KTNN cần tiếp tục tăng cường đào tạo đội ngũ kiểm toán viên có trình độ chuyên môn cao đảm bảo thực hiện các cuộc KTMT chất lượng hiệu quả. Trong quá trình đào tạo, KTNN cần bổ sung thông tin thực tiễn để giúp học viên hiểu rõ tác động của các yếu tố trong đời sống, xã hội đến môi trường... 

Bên cạnh đó, KTNN cần tăng cường mời các chuyên gia có kinh nghiệm của lĩnh vực này, thậm chí là chuyên gia nước ngoài để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, từ đó giúp kiểm toán viên nâng cao trình độ kiểm toán đối với nội dung về môi trường. 

N.LỘC