Hải Dương cần đẩy mạnh hiệu quả trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia

Địa phương - Ngày đăng : 17:38, 07/10/2023

(BKTO) - Hải Dương luôn xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, kết hợp với sự tham gia của các thành phần kinh tế để góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
image00120230919092024.jpg
Diện mạo nông thôn mới của Hải Dương có nhiều khởi sắc. Ảnh: TS

Nhằm cụ thể hóa các chủ trương trên, HĐND và UBND tỉnh Hải Dương trong thời gian qua đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách như: Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống của nhân dân... Các sở, ngành và các đơn vị có liên quan của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện, xã triển khai thực hiện ở cơ sở.

Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã đã thể hiện sự quyết liệt, sáng tạo, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân các chủ trương, chính sách; ý nghĩa, vai trò của Chương trình; đồng thời, trực tiếp giao nhiệm vụ cho các xã, thôn và nhân dân trên địa bàn triển khai thực hiện, hoàn thành 19 tiêu chí NTM, phấn đấu hoàn thành 18 tiêu chí NTM nâng cao. Nhìn chung, một số mục tiêu chính của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh bảo đảm tiến độ, kết quả theo yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu tiến độ thực hiện còn chậm hoặc chưa đạt mục tiêu đề ra.

Ngày 19/9, kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Hải Dương đã xem xét tờ trình của UBND tỉnh về phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và năm 2023 (phân bổ kế hoạch năm 2023 lần 5). UBND tỉnh Hải Dương đề nghị phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn 5 năm 2021-2025 của 5 dự án và 1 chương trình là hơn 848,3 tỷ đồng.

Trong đó, đáng chú ý, UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2023 hơn 173,2 tỷ đồng từ nguồn tăng thu thường xuyên ngân sách tỉnh năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023, bổ sung cho chi đầu tư phát triển. Đề nghị phân bổ cho 11 dự án và 1 chương trình hơn 680,7 tỷ đồng. Trong đó, phân bổ hơn 582,7 tỷ đồng cho 11 dự án theo dự kiến tiến độ thực hiện có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn giao trong năm 2023. Hỗ trợ thực hiện đầu tư dự án của các xã đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là 98 tỷ đồng.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu lãnh đạo các địa phương, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, rà soát danh mục các dự án đầu tư tập trung thực hiện bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, rủi ro. Cần đôn đốc, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, bảo đảm các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Cũng trong tháng 9, Kiểm toán nhà nước đã công khai kết quả kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Hải Dương, trong đó đưa ra một số bất cập vướng mắc như: một số địa phương chưa thành lập Ban chỉ đạo Chương trình MTQG hoặc chưa hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Văn phòng điều phối NTM các cấp theo quy định; tổ chức mô hình và cơ chế làm việc của Văn phòng điều phối NTM các cấp tại địa phương chưa thống nhất; chưa ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức, thực hiện Chương trình theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chưa đạt so với chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022. Qua kết quả kiểm toán các dự án đầu tư tại các địa phương được kiểm toán cho thấy, còn một số tồn tại trong việc xác định Tổng mức đầu tư dự án; công tác khảo sát, thiết kế tại một số dự án thuộc Chương trình chưa tuân thủ đầy đủ quy định về thiết kế; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán còn sai sót về khối lượng, chưa phù hợp với các quy định làm tăng giá trị dự toán đã được phê duyệt; công tác quản lý, thực hiện nghiệm thu, thanh toán tại nhiều dự án vẫn có sai sót về xác định khối lượng, đơn giá,....

Đối với UBND tỉnh Hải Dương, KTNN kiến nghị phải chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình HĐND tỉnh, thành phố ban hành cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành giai đoạn 2021-2025; kiểm tra, rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu các nguồn vốn đã đầu tư cho Chương trình (năm 2021, 2022) của địa phương; tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án trong Chương trình đảm bảo bố trí vốn thực hiện đầu tư đúng nội dung, đối tượng và bố trí nguồn vốn phù hợp với quy định Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Để hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, đồng thời tạo điều kiện, tiền đề và dư địa phát triển cho năm 2024 và những năm tiếp theo, lãnh đạo Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị chính quyền các cấp, từ tỉnh đến cơ sở, trước hết là UBND tỉnh cần đánh giá sâu kỹ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại đã được KTNN chỉ ra. Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo sớm giải quyết những hạn chế, yếu kém; khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện tối đa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong tỉnh./.

KHÁNH LINH