Chú trọng các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 19:40, 29/08/2018

(BKTO) - Sáng nay (29/8), tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (gọi chung là Trường) đã tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng gắn với vai trò của giảng viên thỉnh giảng”. TS. Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.


GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và PGS,TS. Nguyễn Đình Hòa - Quyền Giám đốc Trường đồng chủ trì buổi Tọa đàm. Tọa đàm còn có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, đội ngũ giảng viên của KTNN, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.
                
   

Toàn cảnh Tọa đàm -Ảnh: Nguyễn Lộc

   
Nội dung buổi Tọa đàm đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo, thực trạng đội ngũ giảng viên, trong đó có giảng viên thỉnh giảng, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo. Tại buổi Tọa đàm, Báo kiểm toán đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia liên quan đến công tác đào tạo của KTNN.

         
   
   
TS. Lê Đình Thăng -Ảnh: Nguyễn Lộc
   
TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III:

Những khó khăn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Ngành đang gặp phải cũng chính là khó khăn, thách thức chung của các đơn vị đang làm công tác đào tạo, bồi dưỡng hiện nay. Việc đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên, trong đó có giảng viên thỉnh giảng cần phải khách quan, chú ý ở cả hai chiều người dạy và người học, bởi bản thân người học không hứng thú với việc học thì không thể đỏi hỏi chất lượng đào tạo được nâng lên, mặc dù giảng viên có trình độ, năng lực và tâm huyết. Mặc dù áp dụng cơ chế đãi ngộ cho giảng viên theo quy định hiện hành, Trường cần xin ýkiến của lãnh đạo KTNN để có thể linh hoạt trong thực hiện cơ chế này.

         
   
PGS, TS. Phan Duy Minh -Ảnh: Nguyễn Lộc
   
PGS,TS. Phan Duy Minh - nguyên Phó Giám đốc Trường:

Trình độ, nhận thức của người học của KTNN ở mặt bằng cao, điều này đòi hỏi cần phải tổ chức các lớp cho phù hợp. Ngoài việc chuẩn bị tốt chương trình, đội ngũ giảng viên, cần đổi mới phương thức giảng dạy theo hướng sinh động, thu hút người học hơn nữa.




         
   
   
PGS,TS. Lê Huy Trọng -Ảnh: Thu Huyền
   
PGS,TS. Lê Huy Trọng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V:

Trường cần phân nhóm đào tạo gắn với nhóm giảng viên để thuận lợi cho việc lựa chọn, thay thế giảng viên khi cần thiết. Đa số giảng viên giảng dạy hiện nay là kiêm chức, kiến thức và kinh nghiệm thực tế rất phong phú nhưng rất khó để đòi hỏi yêu cầu cao hơn về mặt phương pháp giảng dạy, truyền thụ từ họ. Mặt khác, sự thành công của lớp học còn đến từ phía các học viên tham gia với tinh thần có nghiêm túc, cầu học hay không. Do vậy, việc đánh giá hoạt động giảng dạy của đội ngũ giảng viên cũng cần đảm bảo công bằng, khách quan.

         
   
TS. Đào Thị Thu Vĩnh -Ảnh: Nguyễn Lộc
   
TS. Đào Thị Thu Vĩnh - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII:

Thời gian qua, đội ngũ giảng viên, trong đó có giảng viên thỉnh giảng đã rất cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, song hành với nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu của lãnh đạo KTNN. Tuy nhiên, Ngành, các đơn vị cũng cần có sự quan tâm hơn tới đội ngũ giảng viên này, đồng thời có sự ghi nhận, có các chế độ phù hợp với các giảng viên. Thủ trưởng các đơn vị cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo để tạo điều kiện cho công chức tham gia giảng dạy cũng như học tập, bồi dưỡng.


Ông Đỗ Văn Tạo - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ:

Thời gian qua, kế hoạch đào tạo, cử người tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị trong ngành thường xuyên có biến động, thay đổi. Do đó, để đảm bảo công tác tổ chức cũng như chất lượng các lớp đào tạo, đề nghị các đơn vị nghiên cứu, đề xuất đối tượng tham gia lớp bồi dưỡng cho phù hợp, đúng đối tượng; có đánh giá nghiêm túc đối tượng người học, mạnh dạn đưa vào đối tượng tinh giản nếu không nghiêm túc tham gia học tập

         
   
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên -Ảnh: Nguyễn Lộc
   
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước:

Tổng Kiểm toán Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, kiểm toán viên và coi đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.

Do đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới, các đơn vị cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tham gia vào công tác này. Đặc biệt, Thủ trưởng các đơn vị cần có sự quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo chung của Ngành cũng như của đơn vị. Việc bố trí công chức, kiểm toán viên tham gia lớp học cần phù hợp, nếu không sẽ rất lãng phí;

Trường cần rà soát đội ngũ giảng viên cơ hữu, kiện toàn tổ chức; bổ sung thêm giảng viên giảng dạy nền tảng lý thuyết, đặc biệt là về lĩnh vực kế toán, kiểm toán, đồng thời có hình thức đào tạo kỹ năng sư phạm cho đội ngũ công chức tham gia giảng dạy. Ngoài ra, Trường cũng cần đổi mới hình thức tổ chức, các chương trình học cho phù hợp, giáo trình giảng dạy phải cập nhật, gắn với thực tiễn, trong đó, cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động quản lý đào tạo, giảng dạy..
NGUYỄN LỘC - HỒNG THOAN