Cần Thơ cần kiến tạo các năng lực sản xuất mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ cho toàn vùng

Địa phương - Ngày đăng : 11:31, 11/10/2023

(BKTO) - Chiều 10/10, tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ.
101020230615-_tan4144-copy.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TTXVN

Thành phố Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Cần Thơ tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Thời gian qua, kinh tế - xã hội của Thành phố cơ bản ổn định và phát triển. Giai đoạn 2021-2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Cần Thơ bình quân đạt 5,91%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng từ 91.590 tỷ đồng năm 2021 lên 107.781 tỷ đồng năm 2022 và ước đến cuối năm 2023 đạt 118.872 tỷ đồng, gấp 10,2 lần so năm 2004. GRDP bình quân đầu người ước đến cuối năm 2023 đạt 94,52 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004.

Năng suất lao động tăng qua các năm (năm 2021 là 162,7 triệu đồng/lao động; ước năm 2023 là 194,6 triệu đồng/lao động); tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2023 đều tăng qua các năm (năm 2021 tăng 25,4%, năm 2022 tăng 16,9%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Cần Thơ đã đạt được thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhiều vấn đề đề xuất của địa phương và các ý kiến phát biểu có liên quan trực tiếp tới nhiều vấn đề mà Quốc hội sẽ bàn thảo tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Cho biết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ Tám, khóa XIII vừa xem xét, quyết định nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023-2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thành ủy Thành phố chỉ đạo quán triệt các quan điểm, định hướng quan trọng của Trung ương; từ đó xác định rõ mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024.

Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn Cần Thơ mở rộng năng lực sản xuất mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn cho cả vùng, phát triển theo hướng “thuận thiên”. Do đặc điểm địa chất có nền đất yếu và thấp nên Thành phố cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất hàng tiêu dùng.

Với tinh thần “Cần Thơ vì cả vùng, cả nước, nhưng cả vùng, cả nước cũng phải vì Cần Thơ”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cần Thơ đánh giá kỹ hơn thực trạng, nguyên nhân khách quan và chủ quan, tiếp tục rà soát, chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền. Đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết vướng mắc trên tinh thần quyết liệt.

Bên cạnh đó, Cần Thơ sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian sớm nhất, với mục tiêu như đã xác định tại Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Bộ, ngành, Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng Cần Thơ tháo gỡ các điểm nghẽn để giúp Cần Thơ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm tính hợp pháp, hiệu quả, khả thi; từ đó giúp Thành phố kiến tạo các năng lực sản xuất mới, động lực tăng trưởng mới.

* Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang.

101020231238-_tan3277-copy.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quy mô nền kinh tế của Hậu Giang còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn cả nước, xuất phát điểm thấp, nên Hậu Giang cần tiếp tục duy trì, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ cũng như của cả nước; phấn đấu đạt mục tiêu đến 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp khá, đến năm 2050 trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang lãnh đạo, chỉ đạo để sớm triển khai báo cáo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII; khẩn trương hoàn thành việc trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng. Tỉnh cần coi trọng phát triển cả khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong điều kiện quỹ đất đai phục vụ phát triển công nghiệp không còn nhiều; thu hút trên tinh thần lựa chọn rất kỹ lưỡng các nhà đầu tư sử dụng diện tích đất ít nhưng giá trị đầu tư cao; phát huy lợi thế, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời liên kết để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp chung của vùng…

Đ. KHOA