Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KTNN
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 07:00, 30/08/2018
(BKTO) - Ngày 29/8, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) đã tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng gắn với vai trò của giảng viên thỉnh giảng”. TS. Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Dưới sự đồng chủ trì của GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và PGS.TS. Nguyễn Đình Hòa - Quyền Giám đốc Trường, Tọa đàm thu hút đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học, đội ngũ giảng viên của KTNN, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phátbiểu tại Tọa đàm- Ảnh: Nguyễn Lộc
Tích cực đào tạo kiến thức, kỹ năng cho kiểm toán viên
Đề dẫn Tọa đàm, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên đánh giá, công tác đào tạo, bồi dưỡng của toàn Ngành trong những năm qua với nòng cốt là Trường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm toán viên (KTV), giúp các đơn vị trong toàn Ngành hoàn thành kế hoạch kiểm toán được giao.
Trong 2 năm 2017-2018, KTNN bắt đầu triển khai đồng bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hệ thống chương trình đào tạo mới có sự gắn kết giữa đào tạo kiến thức nền tảng theo ngạch, bậc với bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán theo từng lĩnh vực và cấp độ. Hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới được thiết kế nhằm đáp ứng được yêu cầu nâng cao bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trình độ, kỹ năng cho đội ngũ KTV, tiếp cận phương pháp kiểm toán hiện đại, tiến tới phù hợp với thông lệ và chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Do vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng, lực lượng giảng viên cần phải được chú trọng trên cả 2 mặt: khả năng sư phạm, phương pháp truyền đạt, am hiểu chuyên môn và có kinh nghiệm thực tiễn hoạt động kiểm toán.
Để đáp ứng được yêu cầu này, theo GS.TS. Đoàn Xuân Tiên, cần phải có những đổi mới mang tính đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là trong công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên. “Yêu cầu đặt ra là công tác đào tạo, bồi dưỡng phải khoa học, sát thực tiễn, giải quyết hài hòa nhiệm vụ kiểm toán và nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng” - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Gợi mở những vấn đề cần thảo luận tại Tọa đàm, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên nêu rõ: Thứ nhất là cần tổng kết, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua, phân tích, chỉ ra những kết quả làm được, cũng như hạn chế, bất cập.
Thứ hai, xác định nguyên nhân của những hạn chế vừa qua, do nội dung chương trình, tài liệu hay bài giảng của giảng viên, ý thức và trách nhiệm của học viên; trách nhiệm phối hợp của các thủ trưởng đơn vị.
Thứ ba, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo, trong đó có giải pháp về cơ chế; giải pháp tổ chức thực hiện; giải pháp về nội dung chương trình, tài liệu, bài giảng…
Báo cáo về tình hình và kết quả đào tạo, bồi dưỡng của Trường từ năm 2017 đến nay, ông Nguyễn Anh Phương - Trưởng Phòng Đào tạo cho biết, Trường đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Ngành nghiên cứu, thẩm định và ban hành chương trình chi tiết các chương trình đào tạo bồi dưỡng ngạch KTV. Đến hết tháng 6/2018, Trường đã tổ chức thẩm định và nghiệm thu được 84/84 tài liệu, đạt 100% khối lượng công việc; tổ chức được 75/102 lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch cho hơn 2.820 lượt học viên, đồng thời phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tập huấn các chuẩn mực KTNN...
Đề cập đến đội ngũ giảng viên, ông Trần Quang Huy - Trưởng Khoa Chuyên ngành của Trường cho biết, hiện nay, Trường có 41 giảng viên kiêm chức, trong đó có 2 lãnh đạo KTNN, 24 lãnh đạo cấp vụ, 13 lãnh đạo cấp phòng và 3 giảng viên cấp chuyên viên. Đây là đội ngũ giảng viên kiêm chức có tâm huyết, có trình độ và kinh nghiệm công tác lâu năm trên nhiều lĩnh vực, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Ngành. Từ năm 2017 đến nay, các giảng viên kiêm chức của Ngành đã tham gia trực tiếp giảng dạy hơn 1.300 giờ giảng, tham gia biên soạn 18 tài liệu, chương trình đào tạo và 344 lượt tham dự hội đồng nghiệm thu chương trình, tài liệu đào tạo. Bên cạnh đó, KTNN còn có lực lượng 87 giảng viên ở chế độ mời giảng (8 người), giảng viên cơ hữu (2 người), giảng viên thỉnh giảng (77 người).
Đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
Tại Tọa đàm, cùng với việc đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN thời gian qua, các đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên những khó khăn, thách thức trong việc nâng cao chất lượng KTV thông qua đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Hanh, muốn công tác đào tạo, bồi dưỡng chất lượng và hiệu quả thì đội ngũ giảng viên phải mạnh. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ Trường lên Học viện hiện nay, cần phải hình thành được lực lượng giảng viên nòng cốt, bởi số lượng giảng viên chuyên trách hiện còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải hình thành các bộ môn với sự phân chia một cách hợp lý, nếu không sẽ khó phát triển theo chiều sâu. Về tài liệu, cần phải xây dựng được những tài liệu, chuyên đề chuyên sâu về nghiệp vụ. Đối với tài liệu đào tạo kỹ năng thì cần hình thành khung tài liệu hơn là giáo trình vì kỹ năng phải cập nhật hằng năm cho phù hợp.
Quang cảnh buổiTọa đàm- Ảnh: Nguyễn Lộc
Ông Nguyễn Đức Tín - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV nêu quan điểm: Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cần phải đưa vào những tình huống, kết quả kiểm toán điển hình của Ngành bằng cách mời KTV trực tiếp tham gia xây dựng tài liệu. Tài liệu cần được bổ sung, sửa đổi hằng năm để cập nhật thêm tình huống, kết quả kiểm toán điển hình. Ông Tín đề xuất mời các chuyên gia cập nhật kiến thức pháp luật cho các KTV, thay vì để các đơn vị tự tổ chức như hiện nay.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, cần thiết phải thuê chuyên gia để đào tạo lý thuyết nền tảng cho KTV cũng như cập nhật các quy định của pháp luật, còn những kinh nghiệm từ thực tiễn thì có thể huy động giảng viên có kinh nghiệm trong Ngành giảng dạy. Bởi đối tượng đào tạo của KTNN khác với đối tượng đào tạo đại học, hiện 85% KTV có trình độ Thạc sĩ trở lên, nên người dạy phải chuyên sâu.
Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, thế mạnh của Trường hiện nay là lực lượng giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn. Để phát huy tốt lực lượng này, Trường cũng cần quan tâm mời các đồng chí lãnh đạo chuyên môn của Ngành sau khi nghỉ hưu tiếp tục tham gia công tác giảng dạy.
Về việc đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy của Trường, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, trước mắt, KTNN sẽ cải tạo cơ sở vật chất một số phòng học tại địa chỉ 111 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), chuẩn bị khởi công xây dựng Trường tại Láng - Hòa Lạc (Hà Nội) vào đầu năm 2019 để đến năm 2020 sẽ có một cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, tiện ích. Về phía Trường, cần hoàn thiện việc xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy cho phù hợp với đặc điểm của Ngành, chú trọng xây dựng khoa chuyên ngành, khoa cơ sở; số lượng giảng viên cơ hữu, giảng viên kiêm chức; xây dựng giáo trình theo chuyên đề, theo ngạch bậc; xây dựng cơ chế đãi ngộ linh hoạt để thu hút chuyên gia giảng dạy...
Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán Nhà nước tái khẳng định, các giảng viên kiêm chức của KTNN phải xác định tham gia giảng dạy là một trong những nhiệm vụ chính, được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao. Đây cũng là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức, KTV KTNN.
HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số ra ngày 30/8/2018