Sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện

Kinh tế - Ngày đăng : 19:55, 12/10/2023

(BKTO) - Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) kiến nghị sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”, rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện; điều hành giá bán lẻ điện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.

Sáng 12/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

12.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức

Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đề ra.

 Báo cáo kết quả giám sát được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa nội dung báo cáo của các cơ quan Trung ương, kết quả xử lý, tổng hợp báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội 63/63 tỉnh, thành phố; căn cứ kết quả giám sát thực tế tại 11/11 địa phương, kết quả làm việc với Chính phủ, 10/10 Bộ, ngành, 3/3 tập đoàn năng lượng, kết quả 7 hội thảo, tổ chức Đoàn đại biểu đi khảo sát, học tập tại Australia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và nhiều vòng tham vấn chuyên gia, nhà khoa học.

Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước.

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm; đã bước đầu thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước.

“Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước” - Báo cáo đánh giá.

anh-huy.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo kết quả giám sát. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng chỉ rõ, phát triển năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023. Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn hạn chế; hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế.

Bên cạnh đó, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Đáng chú ý, ông Lê Quang Huy chỉ rõ, một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn…

Khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách về điều hành giá điện

Trên cơ sở xác định trách nhiệm của những hạn chế, yếu kém, Đoàn giám sát kiến nghị, trong giai đoạn 2024-2025, cần tập trung rà soát, trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn khi triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng.

ct-hue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Về thị trường năng lượng, chính sách giá điện, giá than, giá xăng dầu, Đoàn Giám sát kiến nghị cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.

Trong đó, tập trung đánh giá toàn diện tình hình triển khai thị trường điện cạnh tranh trong giai đoạn vừa qua, xác định vấn đề còn bất cập, các khó khăn, vướng mắc và có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi thị trường.

Cùng với đó, nghiên cứu, hoàn thiện khung giá các loại hình điện năng, nhất là điện rác, điện sinh khối, các nguồn điện năng lượng tái tạo, định mức bảo quản xăng dầu.

Đoàn giám sát kiến nghị, cần đánh giá thực trạng, hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc điều hành Quỹ phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; có cơ chế điều chỉnh các loại thuế áp dụng đối với xăng dầu để điều tiết thị trường, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô và ổn định an sinh xã hội. Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về nguồn cung xăng dầu, sản lượng các doanh nghiệp lọc hóa dầu trong nước, lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối.

Đặc biệt, cần điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào, giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá, thị trường điện, đồng thời bù đắp được chi phí và lợi nhuận hợp lý để bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp; sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”, rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện; điều hành giá bán lẻ điện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách về điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, trước hết thúc đẩy cạnh tranh trong khâu nguồn điện.

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cần có đánh giá về những ách tắc, vướng mắc trong điều hành giá điện, giá than, giá khí và xăng dầu vừa qua. Đồng thời, đánh giá kỹ hơn thực trạng thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; những vướng mắc giữa quy hoạch và truyền tải điện khi để xảy ra tình trạng điện thừa nhưng không hòa được lưới điện quốc gia….

“Đây là những vấn đề cần phải chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, địa phương để đề xuất biện pháp trong thời gian tới, đưa ra các đề nghị với Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vấn đề trọng tâm” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Khẳng định chuyên đề giám sát này có ý nghĩa rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị việc ban hành Nghị quyết phải tạo ra chuyển biến khác biệt trong thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giám sát phải chỉ ra được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, liên quan, không nói chung chung. Trọng tâm của hoạt động giám sát nên tập trung vào việc thực hiện Quy hoạch điện VII và kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII. Việc ban hành nghị quyết cần chỉ ra những vấn đề lớn cần triển khai thực hiện trong giai đoạn tới, trong đó có chuyển đổi năng lượng công bằng; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong việc phát triển năng lượng…

Đ. KHOA