Doanh nghiệp công nghệ tăng cường bảo đảm an ninh mạng
Kinh tế - Ngày đăng : 09:43, 13/10/2023
Ông Vũ Đăng Vinh - Tổng Giám đốc của Vietnam Report nhấn mạnh, các DN công nghệ tỏ ra rất tự tin khi đánh giá mức độ đảm bảo an toàn an ninh mạng tại tổ chức của mình tương đối mạnh, trung bình đạt từ 4,3-4,7 trên thang điểm 5.
Để bảo vệ hệ thống thông tin trước các cuộc tấn công, các DN cho biết sẽ tăng nguồn lực nhiều nhất các lĩnh vực liên quan tới tập trung vào quản trị, rủi ro và tuân thủ (84,6% DN lựa chọn); nâng cao kỹ năng và tuyển dụng nhân tài an ninh mạng (69,2% DN lựa chọn); thêm giải pháp công nghệ an ninh mạng (61,5% DN lựa chọn); tập trung vào chiến lược và phối hợp với các nhóm kỹ thuật/công nghệ vận hành (46,2% DN lựa chọn).
Theo chia sẻ của các DN công nghệ, việc theo đuổi các chiến lược DEI (Diversity - đa dạng, Equity - công bằng, Inclusion - hòa nhập) được các DN thực hiện nhằm tạo dựng một nền tảng văn hóa DN vững chắc.
Kết quả cụ thể, có tới 71,4% DN tham gia khảo sát đã lựa chọn phát triển theo hướng công bằng, tạo cơ hội thăng tiến bình đẳng cho toàn bộ nhân sự là yếu tố ưu tiên hàng đầu; tiếp theo là phát triển theo hướng hòa nhập và phát triển theo hướng đa dạng với lần lượt 57,1% và 50,0% DN lựa chọn.
Các DN công nghệ cũng “bật mí”, thu hút và giữ chân nhân tài (92,9% DN lựa chọn), tạo ra môi trường làm việc tích cực (78,6% DN lựa chọn), tạo ra một lực lượng lao động gắn kết, nhiệt tình và năng động (78,6% DN lựa chọn) và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN (28,6% DN lựa chọn) là những tác động trực tiếp mà một nền văn hóa DN vững mạnh đem lại.
Song song với những cải thiện rõ ràng về hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN, văn hóa thống nhất một bản sắc chung, liên kết các giá trị và hành vi, ảnh hưởng đến cách cư xử của nhân viên - yếu tố tác động đến cách nhìn nhận của các bên liên quan về hình ảnh DN.
Qua đó, có thể thấy rõ, nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các DN công nghệ tại Việt Nam.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, điều này là phù hợp với sự gia tăng của các hình thức và số lượng tấn công mạng qua từng năm, cùng tính chất phát triển nhanh và luôn thay đổi của ngành, DN công nghệ luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến sự cạnh tranh, sự đổi mới, sự bảo mật, sự tuân thủ pháp luật và sự hài lòng của khách hàng lớn hơn các ngành khác.
Việc ưu tiên quản lý hệ thống, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro, giúp DN nhận diện các rủi ro đang tiềm ẩn, đánh giá mức độ rủi ro, từ đó có thể xây dựng, cải thiện dựa trên kinh nghiệm và phản hồi. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng trong năng lực cạnh tranh của DN.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề an ninh mạng càng trở nên quan trọng, đặc biệt là đối với cơ sở hạ tầng trọng yếu, bởi bất kỳ cuộc tấn công mạng nào cũng có thể gây ra thiệt hại đáng kể đến nền kinh tế, an ninh và uy tín của một quốc gia.
Thống kê từ Kaspersky Security Network cho thấy, số vụ tấn công trực tuyến tại Việt Nam được phát hiện và ngăn chặn trong năm 2022 là 41.989.163 vụ, giảm 33,8% so với năm 2021, đưa Việt Nam đứng thứ 49 trên toàn thế giới về số lượng các cuộc tấn công trực tuyến vào năm 2022 (giảm 17 bậc so với năm 2020).
Cùng với đó, số vụ tấn công ngoại tuyến tại Việt Nam năm 2022 cũng giảm 25,4% so với năm trước đó với tổng số 121,5 triệu mối đe dọa liên quan đến phần mềm độc hại phát tán qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác; duy trì vị trí thứ 31 trên toàn thế giới về các mối đe dọa ngoại tuyến.
Các chuyên gia công nghệ cho rằng những kết quả tích cực trên có được là do các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng đã đi vào thực tế và phát huy hiệu quả khi hầu hết các hệ thống thông tin quan trọng được đưa vào giám sát và đánh giá bảo mật định kỳ.