Phát huy tính sáng tạo để tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc trưng của tổ chức công đoàn

Xã hội - Ngày đăng : 08:35, 14/10/2023

(BKTO) - Từ năm 2021 đến nay, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Thành phố Hà Nội đã xây dựng được 14 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân mới; duy trì tốt và thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của 92 Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân; 61 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 35 Cụm văn hóa thể thao.
1(2).jpg
Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất đáp ứng được nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công đoàn viên. Ảnh: TTXVN

Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đoàn viên công đoàn

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh, thực hiện Chương trình 06-Ctr/TU về "Phát triển văn hoá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" và Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực, nghiêm túc triển khai tổ chức các đợt học tập nghiên cứu với nội dung, hình thức phong phú, cách làm thiết thực, phù hợp với đặc điểm từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần chuyển biến về tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ).

Theo đó, LĐLĐ Thành phố đã phát động phong trào thi đua yêu nước trong các cấp công đoàn gắn với thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; Phát hiện các nhân tố mới, mô hình mới trong xây dựng và phát triển văn hoá; biểu dương tập thể, cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua.

Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có đông công nhân lao động cư trú tập trung giai đoạn 2021-2025” theo hướng đổi mới, có ý nghĩa, hiệu quả đối với đoàn viên, CNVCLĐ... Qua đó, phát huy được tính thiết thực, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đoàn viên, góp phần tái tạo sức lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, góp phần phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Hàng năm, các cấp công đoàn tích cực vận động đoàn viên, người lao động đăng ký công nhận sáng kiến trong lao động sản xuất nhằm khích lệ sự sáng tạo trong đoàn viên, người lao động. Năm 2021 có 17.207 sáng kiến với giá trị làm lợi trên 260 tỷ đồng; Năm 2022 có 18.395 sáng kiến với giá trị làm lợi trên 240 tỷ đồng.

Công đoàn Thành phố phối hợp tổ chức 2 Hội thi thu hút trên 500 công nhân tham gia và đã có hơn 200 công nhân đạt giải, qua đó nâng cao kỹ năng, tay nghề, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong công nhân, viên chức lao động

Bên cạnh những kết quả đạt được, LĐLĐ Thành phố Hà Nội cũng chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU và Nghị quyết 09-NQ/TU như công tác tuyên truyền vận động, tiếp cận đoàn viên, người lao động còn gặp khó khăn. Việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi làm việc và nơi công cộng ở một số CNVCLĐ còn hạn chế, chưa nghiêm túc. Hoạt động của một số Điểm sinh hoạt văn hoá chưa phong phú, đa dạng, chưa thu hút được đông đảo người lao động tham gia...

Phát biểu tại buổi làm việc với Đảng đoàn LĐLĐ Thành phố Hà Nội về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn về việc thực hiện Chương trình 06/CTr-TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, thời gian tới, Đảng đoàn LĐLĐ Thành phố tiếp tục quan tâm rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu của Chương trình 06 và Nghị quyết 09 để cụ thể hóa, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả.

Trong đó, quan tâm nâng cao chất lượng mô hình “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân” và “Cơ quan, Đơn vị, Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” làm nòng cốt để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong CNVCLĐ Thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát huy sự sáng tạo trong đoàn viên, cán bộ CNVCLĐ để tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc trưng của tổ chức công đoàn, đoàn viên và CNVCLĐ. Tập trung đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế, sản phẩm văn hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch văn hóa, phát triển các không gian sáng tạo văn hóa; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, phổ biến lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa.

Đồng thời, tăng cường hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm với các địa phương, đơn vị bạn để đẩy mạnh phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa trong cán bộ CNVCLĐ. Chăm lo phát triển nguồn nhân lực, phát triển đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới./.

THÙY LÊ