Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 16:03, 30/08/2018

(BKTO) -Để đạt mục tiêu đẩy mạnh và phổ biến hơn nữa việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tại Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng” diễn ra mới đây, các DN, các tổ chức tín dụng và các nhà quản lý đã tập trung bàn thảo nhằm tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện hành lang pháp lý; đẩy mạnh hạ tầng thanh toán dịch vụ công; tăng cường truyền thông nhằm thay đổi thói quen của người dân…


Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng còn khiêm tốn

Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Đề án 241). Thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động nghiên cứu và phối hợp xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cũng như thanh toán dịch vụ công nói riêng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư hạ tầng, nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, kết nối với các cơ quan liên quan (Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Điện lực, Bảo hiểm xã hội, bệnh viện,..), đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thanh toán dịch vụ công.

Bên cạnh việc thanh toán dịch vụ công theo các phương thức truyền thống bằng chứng từ giấy, còn có nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại, dễ sử dụng cho khách hàng lựa chọn như: dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch tại ATM, POS, sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, sử dụng ví điện tử...

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) - cho biết, đã có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố và 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học. Ngoài ra, 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí các bệnh viện lớn và 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
                
   

Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn những khó khăn - Ảnh:ST

   

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, DN hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm; khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế.

Về phía ngân hàng, bà Trần Thị Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm và Marketing, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - cho rằng, việc triển khai dịch vụ thanh toán với các công ty cung cấp dịch vụ công, các đơn vị hành chính công, hành chính sự nghiệp, các khách hàng DN đặc thù tại Vietinbank dù đã có kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn như: thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, DN; thiếu hành lang pháp lý do chưa có hướng dẫn cụ thể để cơ quan hành chính nhà nước mở tài khoản chuyên thu phí/lệ phí tại ngân hàng thương mại; chưa có hướng dẫn cụ thể điều chỉnh quan hệ các tổ chức trung gian trong việc hợp tác với ngân hàng phát hành thẻ…

Cần giải pháp đồng bộ

Để khắc phục những hạn chế trên, tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công. Theo ông Phạm Tiến Dũng, cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng; tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán; triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công. Đồng thời, mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh hạ tầng thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng giúp hiện đại hóa các hình thức thanh toán. Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cho rằng: Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các bệnh viện phải có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trong khi đầu tư của Nhà nước cho các bệnh viện rất thấp, không đủ tiền nâng cấp hệ thống. Ông Liên đề nghị NHNN phối hợp cùng Bộ Y tế và kiến nghị Chính phủ cho phép gửi tiền viện phí, tiền bảo hiểm y tế vào ngân hàng để các bệnh viện có thể chủ động hơn trong việc thu, chi; đồng thời các ngân hàng cần đồng bộ hệ thống để người dân tiện lợi hơn trong quá trình thanh toán.

Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) - mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ triển khai dịch vụ công cấp 4; đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin nhằm quản lý dữ liệu tập trung; phân công, phân nhiệm rõ ràng cho đầu mối phụ trách tại các đơn vị dịch vụ công...
Ngoài ra, các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, có cơ chế khuyến khích người dân, DN tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đ.KHOA