Sẵn sàng cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Chính trị - Ngày đăng : 21:48, 17/10/2023

(BKTO) - Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 27, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đến nay công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 đã hoàn tất và sẵn sàng cho ngày khai mạc vào 23/10 tới.

Sáng 17/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc phiên họp Phiên họp thứ 27. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 4,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương và hiệu quả, UBTVQH đã hoàn thành toàn bộ chương trình của Phiên họp. Cho đến nay, tất cả các công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai mạc, dự kiến vào ngày 23/10.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 27. Ảnh: VPQH

Đối với từng nội dung của phiên họp đã được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành kết luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan sớm ban hành thông báo kết luận các nội dung của Phiên họp để làm cơ sở cho các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện, hoàn tất các hồ sơ thủ tục, các nội dung trình Quốc hội.

Về nội dung và chương trình của Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung và chương trình như dự kiến của Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đối với nội dung giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, UBTVQH nhất trí đưa vào dự thảo nghị quyết giám sát để trình Quốc hội xem xét chủ trương thực hiện thí điểm việc khoán gọn kinh phí thực hiện chương trình theo địa bàn cấp huyện ở một số địa bàn, để có cơ sở cho Chính phủ tổ chức thực hiện.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, UBTVQH đồng tình với đề xuất giữ thời gian của phiên chất vấn và trả lời chất vấn là 2,5 ngày.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp lần này, nội dung chất vấn không theo nhóm lĩnh vực phụ trách của từng Bộ trưởng, trưởng ngành mà chất vấn chung về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong dự kiến các nội dung trọng tâm của chất vấn và trả lời chất vấn trong phiếu xin ý kiến cần phải viết cụ thể hơn về mặt nội hàm nội dung. Đồng thời, cần phải có các báo cáo chi tiết liên quan đến từng lĩnh vực của các Bộ, ngành.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, kế thừa kinh nghiệm trong việc tổ chức kỳ họp trước đây, dự kiến giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 6 cũng sẽ bố trí phiên họp của UBTVH để tập trung cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua. Trong quá trình này, các Bộ, các ngành, Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, đồng thời sắp xếp thời gian tham dự phiên họp của UBTVQH để chuẩn bị tốt nhất các nội dung.

Toàn cảnh phiên bế mạc. Ảnh: VPQH

Trước đó, báo cáo UBTVQH về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22,5 ngày; khai mạc vào ngày 23/10 và bế mạc vào sáng ngày 29/11.

Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội với 2 đợt: Đợt 1 là 15 ngày (từ 23/10-10/11); Đợt 2 diễn ra 7,5 ngày, (từ 20/10-29/11).

Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 2 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tiến hành giám sát tối cao; chất vấn và trả lời chất vấn. Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Ông Bùi Văn Cường cũng cho biết, thực hiện kết luận của UBTVQH và tiếp thu ý kiến của Chính phủ và một số cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị điều chỉnh dự kiến nội dung của Kỳ họp.

Trong đó bổ sung việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Bổ sung 3 báo cáo của Chính phủ (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về: Lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm; Tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11; Tiến độ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh.

Ngoài ra, việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thể hiện trong Nghị quyết chung của Kỳ họp (không ban hành Nghị quyết riêng).

171020231117-pho-tong-kiem-toan-nha-nuoc-dang-the-vinh-2.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về dự kiến Kỳ họp cũng như các nội dung chuẩn bị phục vụ Kỳ họp.

Về phía KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, KTNN đã chuẩn bị các nội dung phục vụ Kỳ họp. Đến nay KTNN đã gửi Quốc hội 4 báo cáo. Đó là, Báo cáo công tác năm 2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước; Báo cáo về dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2024; Báo cáo chính và Báo cáo tóm tắt về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội cũng như các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Còn hai báo cáo kiểm toán là Báo cáo tham gia ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán về việc tổ chức thực hiện nghị quyết về các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, KTNN đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ gửi Quốc hội trong thời gian ngắn nhất.

Đ. KHOA