Những nút thắt trong đầu tư công

Đầu tư - Ngày đăng : 07:40, 18/10/2023

(BKTO) - Sáng nay, 18/10, cùng với 2 Hội thảo khác, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của KTNN”. Trước thềm Hội thảo, đã có một số ý kiến, đánh giá thể hiện góc nhìn riêng về những nút thắt trong đầu tư công (ĐTC).
anh-wb.png
Nguồn: WB

Quản lý đầu tư công vẫn còn những điểm yếu

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nêu rõ, ước tính (năm 2018) của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho thấy hiệu quả sử dụng vốn ĐTC của Việt Nam có thể tăng thêm 23% nếu hiệu suất quản lý ĐTC bằng với các quốc gia đi trước trên toàn cầu. Nâng cao hiệu suất chi tiêu công có thể đem lại tác động to lớn về tăng trưởng tổng năng suất và quy mô GDP.

Theo WB, trong thập kỷ qua, Chính phủ đã có những nỗ lực đáng ghi nhận nhằm cải thiện quản lý ĐTC. Tuy nhiên, hiệu suất phân bổ và hiệu suất thực hiện ĐTC còn thấp do chu trình quản lý ĐTC vẫn tồn tại một số điểm yếu. Cả trung ương và địa phương đều không thể giải ngân hết dự toán chi đầu tư được phân bổ. Giai đoạn 2017-2022, chi đầu tư chỉ thực hiện trung bình được 77% dự toán. Chênh lệch giữa dự toán và thực hiện (23%), hệ quả là phải chuyển nguồn chi đầu tư (ở mức từ 18 đến 3% tổng chi đầu tư) nhiều hơn hẳn so với các quốc gia so sánh và cao hơn rất nhiều so với thông lệ quốc tế tốt là 5%.

Yếu kém về quản lý ĐTC cũng được thể hiện qua tình trạng chậm tiến độ hoàn thành dự án và đội vốn. Theo đánh giá gần đây của WB tại một số dự án giao thông quy mô lớn, chậm tiến độ bình quân lên đến 5 năm, còn đội vốn bình quân lên đến gấp đôi dự toán kinh phí ban đầu ở giai đoạn thiết kế và phân bổ ngân sách. Hiệu suất ĐTC cũng bị ảnh hưởng do hệ thống quan hệ ngân sách giữa các cấp chính quyền còn phân tán và mức chi đầu tư được phân cấp ngày càng nhiều.

Từ đầu thập kỷ 1990, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện phân cấp chi với tốc độ khá nhanh. Tỷ lệ đầu tư của ngân sách trung ương so với tổng ĐTC giảm từ 40% vào năm 2017 xuống còn 20% vào năm 2022. Chính sách phân cấp như vậy đã dịch chuyển 80% vốn ĐTC cho các địa phương (giai đoạn 2017-2022), tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với mức bình quân của các quốc gia có hệ thống ngân sách được quản lý tập trung thống nhất (34,5%) và các quốc gia nói chung (39,5%).

Thẩm quyền quyết định chi tiêu được phân cấp cho chính quyền địa phương tuy mang lại kết quả tích cực nhưng cũng dẫn đến những điểm yếu trong phối hợp giữa địa phương với trung ương và giữa các địa phương. Các địa phương đã và đang đầu tư vào nhiều dự án có giá trị thấp, phân tán, hình thành tài sản lãng phí, có thể tác động tiêu cực đến môi trường. Hệ quả là, hiệu suất đầu tư còn thấp do trùng lặp trong phân bổ, thách thức trong triển khai, tác động tiêu cực ở bên ngoài, huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân chưa tối ưu.

Việt Nam đã và đang theo đuổi các cách tiếp cận khác nhau về điều phối chính sách và đầu tư theo vùng nhưng kết quả mang lại chưa như mong muốn do một số hạn chế về khuôn khổ pháp luật, thiếu cơ chế phân bổ và huy động tài chính hiệu quả.

Mặt khác, tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm của Việt Nam để xử lý những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm. ĐTC với vai trò quan trọng trong việc làm hình mẫu và chất xúc tác thu hút đầu tư tư nhân có thể chiếm hơn 1/3 tổng nhu cầu vốn nêu trên, tương đương khoảng 2,4% GDP. Tuy nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được xem xét đầy đủ trong chiến lược tài khóa tổng thể cũng như trong việc xác định dự án ưu tiên.

Chậm trễ trong bàn giao mặt bằng “sạch” cho dự án

Theo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông vận tải), thời gian qua, hoạt động đầu tư dự án nói chung gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như cơ quan kiểm toán đã chỉ ra. Điều này khiến tiến độ dự án đầu tư thường bị chậm trễ so với kế hoạch đề ra. Trong đó, nổi cộm là khó khăn về thiếu vật liệu xây dựng; chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.

loc-cao-toc-van-ninh.jpg
Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ. Ảnh: Vũ Quý

Đơn cử, Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025) vẫn đang đối mặt với “nút thắt” mặt bằng. Đến thời điểm hiện tại, nhiều đoạn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công, mặc dù đã quá thời hạn bàn giao mặt bằng sạch 100% cho dự án để triển khai theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Trong suốt quá trình triển khai, Ban đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, địa phương để có hướng giải quyết, song thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định thuộc về địa phương.

Do đó, để thúc đẩy giải ngân ĐTC, địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc tháo gỡ hai điểm nghẽn quan trọng hiện nay là giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng.

Cụ thể, để đảm bảo nguồn cung vật liệu, địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc chủ động hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu về trình tự mở mỏ vật liệu, về việc công bố giá vật liệu xây dựng. Về giải phóng mặt bằng, địa phương cần kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân để bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch…

Còn nhiều rào cản

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Sơn La, công tác giải ngân ĐTC trên địa bàn tỉnh còn gặp một số vướng mắc. Trong đó, chất lượng khảo sát, tư vấn lập dự án đầu tư có mặt còn hạn chế, dẫn đến một số dự án phải điều chỉnh.

loc-thuy-loi.jpg
Ảnh minh họa. 

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của một số dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án bồi thường; công tác quyết toán dự án hoàn thành, quyết toán hợp đồng còn chậm, kéo dài, làm chậm giải ngân kế hoạch vốn được giao. Tình trạng thiếu nguyên vật liệu phục vụ cho dự án là rào cản lớn đến tiến độ triển khai dự án đầu tư…

Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua gặp một số khó khăn, như chậm có hướng dẫn, quy định, nội dung, mức hỗ trợ; thủ tục lựa chọn dự án… gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư theo các chương trình còn chậm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung triển khai đẩy nhanh thực hiện dự án và giải ngân vốn ĐTC, đặc biệt là tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương đang tiếp tục phối hợp tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân của tỉnh trong năm 2023./.

PHỐ HIẾN - ĐỨC THÀNH