Đẩy mạnh phân cấp, gỡ vướng cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Kinh tế - Ngày đăng : 17:25, 18/10/2023

(BKTO) - Để tháo gỡ vướng mắc, phát huy giá trị của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) cần có sự thay đổi trong cách quản lý các Chương trình, đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, giao vốn cho địa phương chịu trách nhiệm lồng ghép…
8.png
CTMTQG xây dựng nông thôn mới giúp thay đổi diện mạo huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: ST

Cơ chế, chính sách chậm ban hành ảnh hưởng đến tiến độ

Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về đánh giá kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 CTMTQG trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình trong thời gian tới.

Báo cáo về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai 3 Chương trình, Chính phủ cho biết, khó khăn đầu tiên là công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG từ trung ương đến địa phương còn chậm, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu thực hiện. Công tác xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của các địa phương cũng còn chậm.

Đến hết tháng 07/2023, vẫn còn 6 địa phương chưa hoàn thành việc ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn thực hiện các CTMTQG tại địa phương; còn 6 địa phương chưa ban hành quy định về mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn, định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong thực hiện các cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất; còn 2 địa phương chưa hoàn thành đầy đủ việc ban hành các văn bản cụ thể hóa các Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo phân cấp.

Trong công tác xây dựng kế hoạch, nhiều địa phương chưa chủ động chuẩn bị tốt việc xác định nhu cầu danh mục, nguồn lực đầu tư dự án các cấp (đặc biệt công trình quy mô nhỏ gắn với nhu cầu đầu tư của cấp cơ sở, của cộng đồng) ngay từ đầu giai đoạn, đầu năm kế hoạch, có tâm lý đợi có vốn mới triển khai thực hiện. Điều này dẫn đến không thể tiến hành ngay việc phân bổ, giao kế hoạch dự toán sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán NSNN hằng năm.

Về vấn đề này, qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng đánh giá, công tác ban hành văn bản triển khai các CTMTQG còn chậm so với yêu cầu tiến độ. Đặc biệt, việc triển khai Nghị định số 27/2022/NĐ-CP trên thực tế còn nhiều nội dung bất cập, khó triển khai; tập trung vào một số nội dung như: Việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp trung hạn, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, huy động sử dụng vốn NSNN và cơ chế thanh toán, quyết toán; cơ chế đặc thù trong thực hiện dự án quy mô nhỏ hoặc các dự án kỹ thuật không phức tạp.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện vẫn còn những nội dung chưa chặt chẽ, dẫn đến một số cơ chế, chính sách chưa đồng bộ và chưa thống nhất giữa các Chương trình. Việc hướng dẫn lồng ghép các CTMTQG, thẩm quyền quy định định mức kinh tế kỹ thuật tại địa phương và một số hướng dẫn còn thiếu hoặc chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn.

Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc thù

Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện các Chương trình trong thời gian tới, Chính phủ trình UBTVQH xem xét trình Quốc hội bổ sung một số giải pháp về thể chế liên quan đến một số luật chuyên ngành.

Theo đó, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các CTMTQG. Về việc sử dụng NSNN, Chính phủ đề xuất giao chủ trì liên kết, đại diện cộng đồng người dân tự thực hiện việc mua sắm, đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu theo quy định; cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh hoạt động mua sắm để làm cơ sở thanh toán, quyết toán vốn hỗ trợ từ NSNN.

Đối với giao dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương hằng năm, Chính phủ đề xuất cho phép Thủ tướng Chính phủ giao tổng dự toán, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân bổ chi tiết dự toán của từng chương trình, thay vì Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết đến dự án thành phần như hiện nay.

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân các CTMTQG đến hết ngày 31/12/2024 để đảm bảo đủ nguồn lực cho các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình ngay sau khi được Quốc hội cho phép thực hiện các giải pháp về thể chế nêu trên. Đồng thời, cho phép lùi thời hạn, chưa trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Đoàn giám sát của Quốc hội về 3 CTMTQG và các Ủy ban đều thống nhất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay của 3 Chương trình để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phát huy những thành tựu đã đạt được của giai đoạn trước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần có sự thay đổi trong cách quản lý các CTMTQG; đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, giao vốn cho địa phương chịu trách nhiệm lồng ghép, chú ý cân bằng giữa vốn sự nghiệp với vốn đầu tư.

Bởi hiện nay, chúng ta vẫn quản lý các Chương trình này theo hướng rất chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Bên cạnh đó, cần phân định rõ giữa khoản đầu tư và khoản hỗ trợ của ngân sách. “Đây là chương trình hỗ trợ người dân, cần có quy định rõ về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy tắc hỗ trợ, nếu ràng buộc bằng các quy định về đầu tư công, quản lý tài sản công thì không phù hợp” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đánh giá tiến độ giải ngân của các CTMTQG đang thấp so với mặt bằng chung, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ đồng tình với những kiến nghị, đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, đây là những biện pháp ngắn hạn để xử lý tình huống trước mắt. Qua thực tiễn giám sát cho thấy, việc thực hiện các CTMTQG không chỉ vướng ở một khâu này. Do đó, Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt để những công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan có thể thực hiện hiệu quả./.

Tổng kinh phí sự nghiệp của các CTMTQG năm 2021 đã giải ngân là 1.078 tỷ đồng, đạt 88,95% kế hoạch. Giải ngân vốn năm 2022 (tính đến ngày 31/01/2023) được khoảng 14.468 tỷ đồng, đạt 42,49% kế hoạch. Căn cứ quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 và Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng, các địa phương đã tiến hành các thủ tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân khoảng 18.982,6 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022 còn lại. Đối với năm 2023, giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương đến tháng 6/2023 đạt khoảng 1.131 tỷ đồng, bằng 5,33% kế hoạch; kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/8/2023 đạt khoảng 10.139,6 tỷ đồng, bằng 41,9% kế hoạch.

Đ. KHOA