Rà soát quy hoạch và ưu tiên nguồn lực để khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp

Xã hội - Ngày đăng : 14:05, 18/10/2023

(BKTO) - Với đặc điểm quy mô trường, lớp, học sinh lớn nhất cả nước, mỗi năm tăng khoảng 50 - 60.000 học sinh, tương đương cần thêm 30 - 40 trường học, Thành phố Hà Nội sẽ phải tập trung mọi nguồn lực để đáp ứng được nhu cầu trường học cho học sinh.
1.jpg
Hà Nội cơ bản đáp ứng tiêu chí tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở. Ảnh: Nguyễn Ly

Hơn 20 nghìn tỷ đồng thực hiện 648 dự án trường học giai đoạn 2021-2025

Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025 có 80-85% trường học đạt chuẩn quốc gia và thực hiện đầu tư cải tạo, xây mới trường học. Để đạt được các mục tiêu trên, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND về việc xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2022-2025 và chỉ đạo giao kế hoạch thực hiện từng năm.

Đến nay, toàn Thành phố có 1.632/ 2.244 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72,7%. Trong đó, cấp mầm non đạt 71,9%; tiểu học 68,3%; trung học cơ sở 80,1%; trung học phổ thông 66,9%.

Cùng với đó, HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND về kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích. UBND Thành phố đã trình Thành ủy, HĐND Thành phố quyết nghị kế hoạch và cập nhật Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để đầu tư xây dựng trường học với ngân sách dự kiến là 20.526 tỷ đồng thực hiện 648 dự án trường học.

      Hiện nay, Hà Nội có 1.362 trường học được xây mới và cải tạo nâng cấp, cơ bản đáp ứng tiêu chí tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở; khu vực có 3-5 vạn dân có 1 trường trung học phổ thông công lập.

Đến hết tháng 9/2023, có 599/648 dự án (92,4%) được phê duyệt chủ trương đầu tư; 489 dự án đã phê duyệt quyết định đầu tư; 421 dự án đã khởi công thực hiện; 144 dự án đã hoàn thành; dự kiến hết năm 2023 hoàn thành thêm 194 dự án.

Ngoài ra, Thành phố đã bố trí nguồn vốn hỗ trợ cấp huyện đầu tư các dự án trường học thuộc Chương trình mục tiêu nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng số kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng thực hiện 57 dự án.

Ngân sách cấp huyện dự kiến để thực hiện các dự án trường trung học kế hoạch đầu tư công trung hạn là 37.783,6 tỷ đồng, thực hiện 1.172 dự án. Giai đoạn 2021-2023, các huyện đã bố trí 15.203,3 tỷ đồng, đầu tư xây dựng và hoàn thành 387 dự án.

Rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trường học

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố Hà Nội vẫn gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo, duy trì các tiêu chí, tiêu chuẩn về trường học do một số trường học thuộc khu vực nội thành có sĩ số học sinh/lớp cao, vượt quy định; nhiều trường học thiếu diện tích đất, khu sân chơi, bãi tập. Trường thuộc khu vực ngoại thành thiếu các điều kiện cơ sở vật chất, phòng lớp học, phòng bộ môn, thiết bị và đồ dùng dạy học.

Do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới hình thành, dân số cơ học tăng nhanh nên dù đã cải tạo, xây mới được nhiều trường học nhưng tình trạng quá tải trường học công lập vẫn xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại một số quận, huyện, đặc biệt là các quận nội thành.

Phát biểu tại phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: Thành phố sẽ rà soát các quy hoạch hiện có liên quan đến giáo dục để cập nhật thống nhất, đề xuất điều chỉnh bổ sung nội dung của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và cập nhật vào đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng sẽ chỉ đạo rà soát, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư thực hiện xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia đảm bảo hiệu quả đầu tư. Theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện dự án xã hội hóa giáo dục của các chủ đầu tư, xử lý nghiêm đối với các đơn vị chủ đầu tư không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.

Tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo các trường học công lập đảm bảo đạt chuẩn quốc gia luôn được Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố cũng như các cấp, các ngành quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện.

Để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã đề ra, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố tập trung rà soát tổng thể, xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, lộ trình, giải pháp thực hiện việc đầu tư, cải tạo, xây mới trường. Hoàn thành kế hoạch trong tháng 11/2023, báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp thứ 14 diễn ra đầu tháng 12/2023.

UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát, cập nhật, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trường học, đặc biệt là trường công lập đảm bảo đạt chuẩn quốc gia. Rà soát, thu hồi quyết định và bằng công nhận trường chuẩn quốc gia đối với các trường không giữ được các tiêu chuẩn đã công nhận, xác định tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia một cách khách quan, thực chất.

Cùng với đó, UBND Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng trường học công lập theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của HĐND Thành phố, đặc biệt là các dự án xây mới để sớm khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; ưu tiên cân đối, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các quận, huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ trường đạt chuẩn còn thấp so với bình quân chung của Thành phố.

Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư. Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, kiên quyết thu hồi để giao UBND quận, huyện, thị xã lập dự án xây dựng trường học công lập./.

THÙY LÊ