Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm chậm phân bổ ngân sách chi thường xuyên

Tài chính - Ngày đăng : 19:31, 18/10/2023

(BKTO) - Thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 theo đề xuất của Chính phủ song Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc để một khoản dự toán rất lớn, không phân bổ được ngay từ đầu năm.

Sáng 17/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương.

171020231027-z4790781741369_06717e1414025a52c9887829c3cc00e3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung dự toán chi thường xuyên NSNN hơn 2.500 tỷ đồng.

Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện để phân bổ số tiền 70.735,172 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay gần kết thúc năm ngân sách 2023 (05/10/2023) Chính phủ mới trình bổ sung dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương, tổng số kinh phí khoảng 2.508 tỷ đồng (chỉ bằng khoảng 3,5% tổng số tiền chưa phân bổ) là quá muộn so với quy định, gây lãng phí nguồn lực NSNN.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, không để tồn tại các khoản chi chưa xác định được nhiệm vụ, nội dung chi trong dự toán NSNN hằng năm để chờ phân bổ.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về số kinh phí còn lại chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, làm rõ về khả năng sử dụng khoản kinh phí này trong niên độ NSNN năm 2023.

"Đa số ý kiến đề nghị, trường hợp không sử dụng, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển cho các nhiệm vụ khác cần thiết, cấp bách, tránh gây lãng phí nguồn lực" - ông Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, đến nay đã gần hết niên độ NSNN năm 2023, trường hợp không phân bổ, không còn nhu cầu sử dụng cần hủy dự toán, giảm bội chi ngân sách trung ương để chủ động trong việc huy động nguồn lực bù đắp bội chi, giảm chi phí lãi vay.

Thống nhất với quan điểm của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc bổ sung dự toán là do các nhiệm vụ mới phát sinh hay là các nhiệm vụ đã được xác định từ trước nhưng chưa có đủ hồ sơ để phân bổ ngay từ đầu năm 2023. Từ đó, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu hay là các Bộ, ngành, địa phương để rút kinh nghiệm cho năm tiếp theo.

171020231012-pho-tong-kiem-toan-nha-nuoc-dang-the-vinh.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị, với số đề nghị được phân bổ 2.508 tỷ đồng lần này, sau khi được phân bổ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương cần tập trung triển khai ngay để giải ngân và thực hiện được hết số này nhằm hạn chế chuyển nguồn sang năm sau. Đồng thời, cần có giải pháp với số còn lại chưa phân bổ chiếm 96,45%, bởi từ nay đến hết năm chỉ còn hơn 2 tháng.

Làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, lý phân bổ chậm là do các Bộ, ngành chậm trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để bổ sung; các Bộ và cơ quan trung ương chậm ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và ban hành dự án để làm căn cứ bổ sung giao dự toán; các Bộ, cơ quan trung ương chậm trong việc hoàn thành các thủ tục để bổ sung dự toán.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Kiểm toán nhà nước rà soát, bổ sung đầy đủ hồ sơ; đánh giá rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc để một khoản dự toán rất lớn, không phân bổ được ngay từ đầu năm và đến hết năm ngân sách mới đề nghị phân bổ được một phần rất nhỏ; đề xuất giải pháp kịp thời tháo gỡ các vấn đề, đảm bảo sử dụng hợp lý nguồn đã được bố trí.

“Đối với số vốn còn lại chưa phân bổ, đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Quá thời hạn theo quy định của pháp luật, đề nghị hủy dự toán” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách tăng cường công tác giám sát kịp thời các khoản chậm phân bổ hoặc chưa phân bổ được để đảm bảo không lãng phí các nguồn lực./.

Đ. KHOA