Đầu tư cho văn hóa, bao nhiêu là đủ?
Xã hội - Ngày đăng : 21:50, 17/10/2023
Cần thiết phải xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa
Có thể thấy, thời gian qua, phát triển văn hóa đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều lo ngại khi nhiều di tích bị xuống cấp không được trùng tu; nhiều giá trị văn hóa truyền thống mai một, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu thế phát triển nền kinh tế thị trường đang tác động nhiều chiều đến văn hóa như hiện nay.
Do đó, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về văn hóa đang được đặt ra nhằm bổ sung nguồn lực quan trọng cho bảo tồn, phát triển văn hóa.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, việc bổ sung nguồn lực đầu tư cho văn hóa, thông qua triển khai Chương trình MTQG về văn hóa chính là sự thể hiện quyết tâm hành động, cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư cho văn hóa một cách bài bản, thống nhất.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn kinh phí cho lĩnh vực văn hóa, thông tin chỉ chiếm tỷ lệ 1,12% ngân sách Trung ương. Nguồn lực này, theo các chuyên gia chưa thể tương xứng với mục tiêu chấn hưng văn hóa.
GS,TS. Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trên thực tế, nguồn kinh phí cho văn hóa còn thấp hơn so với quy định, đặc biệt là những địa phương khu vực miền núi. "Việc chi cho văn hóa ở mỗi nơi một khác, do đó, cần có chương trình đầu tư cấp quốc gia để triển khai một cách thống nhất" - ông Bền cho biết.
Thông tin cụ thể về Chương trình MTQG về văn hóa, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VHTTDL) Lê Hồng Phong cho biết, đến nay, việc xây dựng Chương trình mới chỉ dừng lại ở bước xin chủ trương đầu tư; tổng hợp nhu cầu có tính cấp thiết từ các Bộ, ngành Trung ương, địa phương. Căn cứ vào đó, Bộ sẽ đề xuất mức kinh phí; phối hợp với các Bộ, ngành thẩm định trước khi gửi Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Dù chưa rõ mức kinh phí được duyệt là bao nhiêu, song mục tiêu ngành văn hóa đặt ra trong Chương trình phần nào cho thấy mong muốn phát triển văn hóa, từ đầu tư cơ sở vật chất, hướng đến nâng cao mức thụ hưởng của người dân về văn hóa.
Đơn cử, như đến năm 2030 sẽ đảm bảo đầu tư cho 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa - thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa; tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa…
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả nguồn lực
Đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Chương trình MTQG về văn hóa, nhiều ý kiến là các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu về sử dụng nguồn lực đầu tư để tránh tình trạng lãng phí, thất thoát.
Từ góc nhìn của một chuyên gia văn hóa, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, dù có mong muốn đến mấy, nguồn ngân quỹ Nhà nước cũng không thể gồng gánh được hết yêu cầu về đầu tư của các lĩnh vực. Thay vào đó, Nhà nước chỉ nên ưu tiên cho các dự án mang tính dẫn dắt, định hướng lớn “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là quan điểm phù hợp không chỉ với văn hóa, mà còn với các ngành khác. Ngân sách đầu tư chỉ nên được coi là “vốn mồi”, chứ không thể ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Do đó, với Chương trình MTQG về văn hóa, trước tiên cần xác định rõ mục tiêu ưu tiên đầu tư, tránh dàn đều, dẫn đến lãng phí.
Việc triển khai thực hiện chương trình sẽ khó đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra nếu thiếu kiểm tra, giám sát, đặc biệt là công tác kiểm toán đối với việc quản lý, phân bổ vốn, sử dụng kinh phí… Thực tế cho thấy, qua kiểm toán đối với Chương trình MTQG về văn hóa giai đoạn trước đây đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, bất cập như tình trạng sử dụng vốn sai mục đích, kém hiệu quả dẫn đến nguy cơ thất thoát, lãng phí…
Để phát huy được sức mạnh, vai trò của văn hóa, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương trân trọng đề nghị Quốc hội sớm ban hành Chương trình MTQG về văn hóa; đồng thời, cùng với Chính phủ tiếp tục quan tâm, tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng... Việc tăng đầu tư của Nhà nước cho văn hóa gắn với việc sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư
Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa
Nói như PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, điều quan trọng là sử dụng nguồn lực đó như thế nào cho đúng mục đích; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tạo ra "cú hích" và bước đột phá để phát triển văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra.
Thêm nữa, để tạo sự chuyển biến trong văn hóa - đích đến của mọi hoạt động đầu tư, không chỉ là vấn đề tiền, mà sự thay đổi phải đến từ bên trong, trước hết là ở cơ quan quản lý văn hóa, ở người đứng đầu các cấp đối với văn hóa.
Đó mới là sự đầu tư lớn nhất, là điều kiện tiên quyết cho văn hóa phát triển. Làm được điều này, nếu Chương trình MTQG được phê duyệt, các cơ quan, cá nhân được giao nhiệm vụ sẽ bớt đi những bận tâm không đáng có để tập trung sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí quý giá cho văn hóa, từ đó chứng minh tính đúng đắn, sự cần thiết phải đầu tư và đầu tư nhiều hơn nữa cho văn hóa.