Các hợp tác xã cần chủ động nâng cao năng lực quản trị và chất lượng sản phẩm

Địa phương - Ngày đăng : 15:08, 17/10/2023

(BKTO) - Đến hết năm 2022, Thành phố Hà Nội có 2.167 sản phẩm được công nhận OCOP, chiếm 22% số sản phẩm của cả nước. Trong đó, có 448 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đến từ 132 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.
1.png
Vùng trồng rau an toàn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Ảnh: hanoi.gov.vn

100% hợp tác xã nông nghiệp có sản phẩm được chứng nhận OCOP

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến tháng 8/2023, Thành phố Hà Nội có 1.170 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Trong đó có 682 HTX tổng hợp, 387 HTX trồng trọt, 68 HTX chăn nuôi, 28 HTX nuôi trồng thủy sản, 05 HTX nước sạch. Theo kết quả đánh giá phân loại năm 2022, có 61,02% HTX hoạt động từ khá trở lên, 38,9% HTX hoạt động trung bình, yếu.

Hà Nội có 132 HTX nông nghiệp với 448 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. 100% HTX có sản phẩm được chứng nhận OCOP đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, HACCP.

Các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tiêu biểu như: HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn kết, huyện Ứng Hòa; HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, huyện Đan Phượng; HXT thủy sản công nghệ cao Đại Áng, huyện Thanh Trì; HTX rau hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ; HTX dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; HTX sản xuất & kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm…

Bên cạnh rất các lợi thế khi tham gia OCOP, các HTX cũng gặp không ít khó khăn, năng lực trình độ lãnh đạo quản lý còn thấp. Các HTX nông nghiệp kiểu cũ chưa đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Đặc biệt là chưa quan tâm đến việc đầu tư cho bao bì nhãn mác, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm còn hạn chế, sức cạnh tranh không cao, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn.

Ngoài ra, vấn đề về vốn của HTX nông nghiệp cũng còn hạn chế, chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 55 và Nghị định số 116 của Chính phủ. Các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi còn ít, sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thô chưa qua chế biến…

Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời hỗ trợ các HTX phát triển, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, trong đó tập trung xây dựng và tuyên truyền về các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu, hiệu quả gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX như: hỗ trợ mô hình khuyến nông đối với HTX nông nghiệp ; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật của HTX nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các HTX.

Đối với các sản phẩm OCOP, Thành phố và các địa phương cần triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ nông nghiệp gắn với chính sách phát triển sản phẩm OCOP để nâng cao hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu; liên kết HTX với doanh nghiệp để tăng quy mô sản xuất, đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh, sàn thương mại điện tử…

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, các HTX nông nghiệp có sản phẩm OCOP cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn (VietGAP, Hữu cơ, GlobGap,…) gắn với truy suất quy trình sản xuất. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, kinh tế tuần huần, nông nghiệp hữu cơ, mở rộng tìm kiếm thị trường và liên kết tiêu thụ để sản xuất theo kế hoạch và đơn đặt hàng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội yêu cầu, trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, Chi cục Phát triển nông thôn chủ động, chủ trì mời các đơn vị liên quan tổ chức chương trình làm việc cụ thể để thống nhất giải pháp nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cho các HTX nông nghiệp.

UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới, Chi cục Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan triển khai các kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp, sản phẩm OCOP theo định kỳ hằng năm và các nhiệm vụ triển khai theo yêu cầu./.

THÙY LÊ