PVN cập nhật diễn biến kinh tế vĩ mô để xây dựng kế hoạch năm tới
Kinh tế - Ngày đăng : 16:40, 17/10/2023
Kinh tế bộn bề khó khăn, mục tiêu tăng trưởng khó khả thi
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nêu rõ, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) thực toàn cầu năm 2023 ở mức 3%, nhưng hạ 0,1 điểm phần trăm dự báo về năm 2024 so với mức đưa ra hồi tháng 7 còn 2,9%.
Như vậy, nền kinh tế toàn cầu dự báo sẽ giảm tốc trong cả năm nay và năm tới so với mức tăng 3,5% đã đạt được trong năm 2022. Lạm phát đang tiếp tục giảm trên toàn cầu, chủ yếu do giá năng lượng giảm và một phần do giá lương thực, thực phẩm xuống thang.
Theo dự báo của IMF, lạm phát bình quân toàn cầu năm nay sẽ là 6,9%, giảm từ mức 8,7% trong năm 2022 và tiếp tục giảm còn 5,8% trong năm 2024.
TS. Võ Trí Thành đánh giá, lạm phát năm 2023 và 2024 còn khá cao, dù giảm mạnh ở các nền kinh tế phát triển ở mức trên 2%. Lạm phát lõi ở các nước phát triển còn cao hơn, lãi suất còn đứng ở mức cao và có thể giảm dần từ giữa năm 2024.
Hơn nữa, theo TS. Võ Trí Thành, nếu nhìn xa hơn, bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn đặt trong giai đoạn nhạy cảm, xung đột tại dải Gaza lần này sẽ có những tác động kinh tế khác biệt so với xung đột Nga - Ukraine. Cùng với đó, bối cảnh địa chính trị và kinh tế đang diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua, tình trạng phân mảnh kinh tế toàn cầu trong nhiều khía cạnh kinh tế, tài chính, công nghệ... cũng đã đang tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới.
Trong nước, với những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành chính sách, tình hình thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản… từ đầu năm đến nay dần được cải thiện, thanh khoản tăng, lãi suất giảm, kinh tế vĩ mô khá ổn định.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5% năm 2023 gần như không thể đạt được, vì muốn GDP cả năm đạt 6% thì tăng trưởng quý IV cần phải đạt 10,6%.
Trước “bức tranh” tổng quan này, doanh nghiệp cần “phòng thủ, tận dụng cơ hội vượt khó và bắt nhịp xu thế”. Cụ thể là tăng cường quản trị rủi ro, xử lý thông tin; xây dựng các kịch bản có thể xảy ra, tận dụng việc kết nối các ngành hàng, đối tác, các gói hỗ trợ của Chính phủ; bắt nhịp các xu thế về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... hiện nay - TS. Võ Trí Thành khuyến nghị.
PVN cần tập trung rà soát, đánh giá các rủi ro vĩ mô
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, kinh tế thế giới có sự suy giảm, WB dự báo tăng trưởng từ 2,1-3% năm 2023 và có thể tăng 2,4-2,9% năm 2024; lạm phát (CPI) bình quân giảm từ 8,2% năm 2022 xuống còn 5,5% năm 2023 và 3,7% năm 2024.
Phân tích về tình hình kinh tế, theo TS. Cấn Văn Lực, có 4 rủi ro, thách thức chính trong năm 2023, đó là xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ làm tăng rủi ro thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao. Rủi ro tài chính - tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu “mong manh” hơn, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.
Dự báo năm 2023, GDP của Việt Nam có thể đạt trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. CPI bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5% - TS. Cấn Văn Lực bình luận.
Tín hiệu phục hồi từ tháng 6/2023 đến nay khá rõ nét, trong đó nền tảng vĩ mô và kinh nghiệm phòng chống dịch, quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên, rủi ro tài khóa ở mức trung bình và dư địa chính sách vẫn còn. Vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế tiếp tục được thúc đẩy.
Cùng với đó, lạm phát và lãi suất tiếp tục giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, nợ xấu trong tầm kiểm soát, thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi. Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, trước mắt, vẫn còn không ít thách thức do kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng chậm, thị trường xuất khẩu và đầu tư bị thu hẹp; du lịch quốc tế phục hồi chậm; tăng trưởng đầu tư tư nhân thấp. Mặt bằng lãi suất đang giảm nhưng còn cao; rủi ro thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế tăng tác động tiêu cực đến Việt Nam.
Giải ngân chương trình phục hồi và đầu tư công chưa thể có đột phá, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vẫn còn rủi ro, cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa...
Nghiên cứu về xu hướng tỷ giá và lãi suất, giá dầu thô năm 2024, giá năng lượng và hàng hóa cơ bản đến năm 2025, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngành dầu khí nói riêng, trong đó có PVN, cần tiếp tục xây dựng các kịch bản kinh doanh với giá xăng dầu, khí khác nhau, có giải pháp tăng nguồn cung, dự trữ (gồm cả dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại).
Cùng với đó, cần xây dựng chiến lược chuyển đổi năng lượng, bởi đây là xu thế tất yếu, nhất là sau khi Quy hoạch điện VIII được ban hành và Quốc hội đã có Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Đáng chú ý, cần đẩy mạnh chuyển đổi số nội bộ và xây dựng hệ sinh thái PVN, tăng khả năng thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro trước những biến động của lãi suất, tỷ giá, tài chính, giá dầu khí…
Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, từ những phân tích, dự báo của các chuyên gia kinh tế, các Ban, đơn vị thành viên của Tập đoàn cần tiếp tục cập nhật, nghiên cứu các nhóm vấn đề kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ để đưa vào đánh giá kết quả năm 2023. Đồng thời, tập trung rà soát, đánh giá các rủi ro về kinh tế vĩ mô để chuẩn bị cho xây dựng kế hoạch năm 2024./.