Đầu tư công: Vướng từ cơ chế đến tổ chức thực hiện

Đầu tư - Ngày đăng : 17:08, 19/10/2023

(BKTO) - Nhiều nút thắt trong đầu tư công được đại diện của các Bộ, ngành, ban quản lý dự án, các chuyên gia chỉ ra. “Nút thắt này dẫn đến nút thắt khác. Nút thắt này là nguyên nhân của các nút thắt khác, dẫn đến những vướng mắc trong tổ chức hiện, tâm lý e dè, sợ trách nhiệm, né trách trong thực thi nhiệm vụ.” - nguyên Phó Tổng Kiểm toán Đoàn Xuân Tiên nhận định.
anh-0.jpg
Quang cảnh Hội chuyên đề: “Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của KTNN”. Ảnh tư liệu

Vướng từ quy định…

Đại diện cho chủ đầu tư trực tiếp quản lý các dự án dự án đầu tư xây dựng, ông Phạm Văn Trình - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải - chia sẻ: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng vẫn còn những vướng mắc. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, việc xác định vị trí, ranh giới chuyển mục đích sử dụng đất rừng phải chi tiết, chính xác. Quy định này khó khả thi và đang có sự “vênh nhau” với các quy định về triển khai dự án của ngành giao thông vận tải, dẫn đến có những bước, những quy trình đơn vị phải thực hiện lại, làm chậm tiến độ thi công các dự án.

trinh.jpg
Ông Phạm Văn Trình - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải - chia sẻ những vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công. Ảnh: NGUYỄN LỘC

Liên quan đến công tác đấu thầu, ông Trình chia sẻ, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT không quy định về mẫu hồ sư dự thầu. Điều này dẫn đến quy trình, thủ tục thực hiện đấu thầu theo Thông tư 08 nhưng mẫu hồ sơ lại áp dụng Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Chia sẻ vấn đề giải ngân đầu tư công của ngành giáo dục, ông Trần Thanh Đạm - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết: Theo các quy định pháp luật hiện nay, vốn đầu tư công hằng năm không giải ngân hết có thể điều chuyển sang năm sau. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề sẽ tạo áp lực giải ngân vốn kéo dài. 

anh-dam.jpg
Ông Trần Thanh Đạm - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động trả lại phần vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Ảnh: NGUYỄN LỘC

Theo ông Trần Thanh Đạm, Bộ rất quyết tâm trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dự án gặp những vướng mắc, dẫn đến việc phải trả lại vốn.

Đối với phần vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động trả lại do nhận thấy điều kiện để triển khai dự án không còn phù hợp, khó thực hiện. Thực tế, một số dự án của ngành giáo dục, điển hình là Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Đà Nẵng đang gặp những vướng mắc, trong đó có vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm vay lại.

gs.-doan-xuan-tien-ktnn.jpg
GS, TS. Đoàn Xuân Tiên nhận định về các nút thắt trong đầu tư công. Ảnh: NGUYỄN LỘC

Được giao vốn nhưng không giải ngân hết, đó không chỉ là câu chuyện của riêng ngành giáo dục mà còn là tình trạng chung của nhiều đơn vị, địa phương. GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - nêu thực tế: Nhiều đơn vị, nhiều địa phương được cấp vốn nhưng gần cuối năm thì lại trả lại rất nhiều, đặc biệt là các dự án ODA. Vấn đề ở đây là cơ chế. Luật Đầu tư công quy định khi nào có tiền thì mới được lập dự án. Khi có tiền lập dự án, phải sau 1 năm, 2 năm thậm chí nhiều hơn nữa, có đơn vị, địa phương mới giải ngân được, thế thì quá chậm. “Vậy, chúng ta sửa các quy định này như thế nào? Chuyển vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa... đó là những vấn đề gây ra vòng tròn luẩn quẩn trong giải ngân” - GS, TS. Đoàn Xuân Tiên nhận định.

… đến tổ chức thực hiện

Một vướng mắc nữa trong triển khai các dự án đầu tư công được ông Đỗ Đình Phan - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông Hà Nội - chỉ ra, đó là công tác quy hoạch, lập kế hoạch. “Trong công tác quy hoạch dự án, chúng tôi phải xây dựng chỉ giới đường đỏ và lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, việc này cũng gặp nhiều khó khăn do chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư” - ông Phan cho biết.

phan.jpg
Đỗ Đình Phan - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông Hà Nội - chỉ ra những vướng mắc trong công tác quy hoạch, lập kế hoạch. Ảnh: NGUYỄN LỘC

Cũng theo ông Phan, trong quá trình triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn bởi nhiều lý do như: Khó xác định nguồn gốc đất vì quản lý đất đai tại hơn 30 quận, huyện, thị xã, TP. Hà Nội còn nhiều bất cập. Việc xác định giá đất rất khó khăn, xây dựng các khu tái định cư còn rất chậm. Việc di chuyển mộ chí đến vị trí mới cũng chưa nhận được đồng thuận của người dân. Công tác di chuyển công trình ngầm nổi, điện, nước, thông tin hạ tầng cũng rất khó khăn.

Kiểm toán nhà nước tổng kết 7 nhóm khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công liên quan đến: Cơ chế chính sách; nguồn vốn; công tác kế hoạch; công tác giải phóng mặt bằng; nguồn nguyên vật liệu; việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của các đơn vị/tổ chức cá nhân; tổ chức, triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Liên quan đến giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - cho biết: Nhà thầu thường không nhận được mặt bằng sạch để tổ chức thi công. Điều này dẫn đến quá trình tổ chức thi công không thể theo thiết kế và làm ảnh hưởng đến việc tổ chức lực lượng thực hiện trên công trường, việc điều phối, đào đắp, vận chuyển. “Chúng tôi thường phải đi vòng xa hơn và chi phí phát sinh. Như vậy, hiệu quả của nhà thầu cũng bị ảnh hưởng” - ông Tuấn Anh chia sẻ.

ong-tuan-anh.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - phản ánh những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: NGUYỄN LỘC

Vấn đề nữa, theo ông Tuấn Anh, một số địa phương thông báo giá vật tư, vật liệu không kịp thời, không sát đúng với thị trường. Có những thời điểm, giá cả vật tư, vật liệu chính như đất, cát đắp leo thang rất lớn, không được kiểm soát. “Tôi cho rằng điều này xuất phát từ 2 nguyên nhân: Một là các địa phương không thông báo giá kịp thời, không sát thực tế. Hai là rất có thể các chủ mỏ liên kết để thao túng giá, đẩy giá lên bất thường, vấn đề này cũng phải được kiểm soát” - ông Tuấn Anh phân tích.

Ngoài ra, hàng loạt bất cập, vướng mắc khác cũng được đại diện các ban quản lý dự án, doanh nghiệp, Bộ, ngành, địa phương chỉ ra như: Nhu cầu vật liệu lớn, trong khi nguồn cung khan hiếm, giá cả lại tăng dẫn đến tăng chi phí dự án và ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức thực hiện các dự án; năng lực nhà thầu còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với công trình xây dựng kỹ thuật cao; định mức, đơn giá xây dựng còn thấp; việc điều chỉnh, thiết kế dự toán chưa được nhịp nhàng…

Nút thắt chồng nút thắt, như nhận định của GS, TS. Đoàn Xuân Tiên: “Nút thắt này dẫn đến nút thắt khác. Nút thắt này là nguyên nhân của các nút thắt khác và dẫn đến những vướng mắc trong tổ chức hiện, tâm lý e dè, sợ trách nhiệm, né trách trong thực thi nhiệm vụ”.

Gỡ từng nút thắt trong đầu tư công để tạo động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, đó không chỉ là câu chuyện của riêng các ban quản lý dự án hay một Bộ, ngành, địa phương nào. Vấn đề này đòi hỏi sự chung tay của cả Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, trong đó có Kiểm toán nhà nước./.

T.ĐỨC – P.HIẾN