Đưa nước sạch về nông thôn: Còn nhiều rào cản
Xã hội - Ngày đăng : 15:10, 23/10/2023
Doanh nghiệp chưa mặn mà do giá nước còn thấp
Những năm gần đây, công tác cấp nước sạch nông thôn ngày càng được quan tâm và đạt được một số kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn vẫn còn thấp, với khoảng cách khá xa so với mục tiêu 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn chất lượng của Bộ Y tế theo Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong khi còn nhiều thách thức.
Trong đó, giá nước sạch là vấn đề nổi cộm nhất trong số các trở ngại đối với các nhà đầu tư khi muốn tham gia vào lĩnh vực này. Hiện, Bộ Tài chính là cơ quan quy định khung giá, phương thức tính giá, lợi nhuận định mức trên cả nước, UBND cấp tỉnh/thành phố quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương nhưng không vượt quá khung giá do Bộ Tài chính quy định.
Hiện, giá nước sạch tại mỗi địa phương tương đối khác nhau, song nhìn chung mức giá bán lẻ, đặc biệt là nước sinh hoạt thấp và chậm được điều chỉnh...
Đơn cử như Hà Nội không điều chỉnh khung giá nước trong gần 10 năm qua. Tháng 7/2023, Thành phố mới quyết định tăng giá nước, nhưng mức tăng cũng không đáng kể đối với người dân sử dụng nước vào mục đích sinh hoạt. Theo đó, từ ngày 01/7/2023, giá bán nước đối với hộ dân cư, hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận là 5.973 đồng/m3; hộ dân cư khác là 7.500 đồng/m3...
Chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... tăng dẫn đến phải điều chỉnh giá nước sạch để vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, vừa khuyến khích các chủ thể sử dụng nước tiết kiệm.
Chậm điều chỉnh giá bán sẽ ảnh hưởng tới các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành; cũng như các đơn vị cung cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế
Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội Nguyễn Xuân Sáng
Trao đổi với phóng viên, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) Lương Văn Anh cho biết, giá tiêu thụ nước sạch được đánh giá là yếu tố quyết định đến tính hiệu quả và bền vững của công trình, tuy nhiên hiện nay giá nước áp dụng rất khác nhau và cơ bản vẫn ở mức thấp. “Trên thực tế, giá nước sạch thu được hầu như không thể bù đắp đầy đủ chi phí quản lý vận hành và khấu hao… trong khi việc xây dựng và trình duyệt phương án giá theo mục tiêu có thể bù đắp chi phí đối với các công trình đang diễn ra rất chậm” - ông Anh cho biết.
Đánh giá về quyền tiếp cận nước sạch và thị trường nước sạch ở Việt Nam, tại hội thảo “Dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam: Thị trường và các vấn đề chính sách” diễn ra gần đây, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) thông tin, một trong những trở ngại đưa nước sạch về nông thôn là do quy định về giá nước chưa theo kịp với thực tiễn, cũng như ý thức sử dụng nước sạch của người dân còn chưa cao...
Nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu nước sạch nông thôn
Ngoài giá nước thấp, chi phí đầu tư tốn kém, trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch vùng nông thôn còn thấp là những rào cản với đơn vị tham gia đầu tư. Thời gian qua, nhiều địa phương cho biết đã mời gọi các doanh nghiệp tham gia cung cấp nước sạch nông thôn nhưng doanh nghiệp chưa mấy mặn mà...
Theo khảo sát của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, tại nhiều khu vực nông thôn người dân vẫn có thói quen sử dụng nước mưa, nước ngầm vào mùa mưa và chỉ sử dụng nước máy vào mùa khô. Do đó, một số doanh nghiệp đầu tư hệ thống nước sạch với công suất lớn nhưng lượng nước bán được chỉ đạt trên 50% công suất.
Thậm chí, ngay cả đối với nhiều công trình cấp nước sạch được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước và giao cho tư nhân quản lý, vận hành, việc cung cấp nước sạch cũng gặp trở ngại nhất định, đơn cử như tình trạng công trình xuống cấp, không đủ kinh phí để bảo trì, sửa chữa...
Qua ghi nhận thực tế tại một số địa phương thuộc tỉnh Bắc Giang, chúng tôi được ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, các đơn vị quản lý cấp nước cố gắng duy trì, nâng cao chất lượng nước song thực tiễn còn nhiều khó khăn, do việc sửa chữa công trình rất tốn kém, trong khi nguồn thu từ cung cấp nước không đủ để tái đầu tư, sửa chữa. Điều này khiến cho cơ hội được tiếp cận nguồn nước sạch tại khu vực nông thôn càng thêm khó.
Phó Cục trưởng Cục Thuỷ lợi Lương Văn Anh cho biết, ngoài hệ thống cung cấp nước sạch được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc từ nguồn việc trợ nước ngoài, phần lớn nguồn nước sạch người dân nông thôn tiếp cận hiện nay do doanh nghiệp cung cấp. Đây là xu thế tất yếu, trong bối cảnh nguồn lực từ Nhà nước rất hạn chế. Do đó “cần có giải pháp để thu hút đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực này, bảo đảm quyền được tiếp cận nước sạch cho người dân” - ông Anh cho biết.
Từ thực trạng trên, Viện trưởng IPS khuyến nghị: Cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Bên cạnh đó, để nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch, ngoài việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất đai, nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư hệ thống nước sạch thì các địa phương cần vận động người dân sử dụng nước sạch khi có đường ống về đến nơi.
Do đó, các ý kiến cho rằng, nếu không thực hiện tốt và đồng bộ những vấn đề nêu trên, việc thực hiện mục tiêu cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn sẽ rất khó thành hiện thực.