Hai điểm nghẽn trong hành trình nâng hạng thị trường chứng khoán
Kinh tế - Ngày đăng : 06:25, 26/10/2023
Theo đánh giá, Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc thỏa mãn các điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với khung phân loại xếp hạng của MSCI theo 5 nhóm tiêu chí về khả năng tiếp cận thị trường, Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều hơn. Còn theo tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell, hai vấn đề cốt lõi mà Việt Nam cần tháo gỡ là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Ký quỹ trước giao dịch: Giữ hay bỏ?
Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch là trở ngại lớn nhất với quá trình nâng hạng thị trường. Việc nhà đầu tư có thể yêu cầu mua chứng khoán T+2 thì đến ngày T+2 mới nộp tiền, còn ngày T+0 chỉ đặt cọc số lượng nhỏ không phải vấn đề lớn vì thông lệ quốc tế đã làm. Tuy nhiên, điều này sẽ rủi ro cho thị trường Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư không có tính kỷ luật. “Ngày T+0 họ đặt cọc nhưng T+2 lại không có tiền trả tiếp thì lúc đó tính sao?” - ông Sơn đặt câu hỏi và cho rằng, đáp ứng các tiêu chí nâng hạng có những thách thức rất lớn với cơ quan quản lý, bản thân doanh nghiệp do yêu cầu đảm bảo toàn vẹn khả năng chống chịu rủi ro của thị trường.
Về vấn đề này, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - TS. Cấn Văn Lực - nhấn mạnh, những tháng cuối năm 2023 và 2024, Việt Nam cần tập trung giải quyết vấn đề về thanh toán. Trong đó, quan trọng nhất là việc loại bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải có sẵn tiền ở thời điểm đặt lệnh (theo Thông tư số 120/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính), thay vào đó là yêu cầu có tiền ở thời điểm nhận cổ phiếu (T+2) như thông lệ tại các thị trường phát triển. “Việc này cần được hoàn thành trong năm 2024, khi FTSE công bố định hạng hai lần trong năm vào tháng 3 và tháng 9, Việt Nam mới có thể hoàn thành mục tiêu nâng hạng” - ông Lực lưu ý.
Việt Nam vẫn duy trì trong danh sách chờ xét phân hạng và đã được rà soát cho khả năng tái phân hạng thành thị trường mới nổi thứ cấp trong đợt rà soát giữa kỳ thuộc kế hoạch tái phân hạng thị trường cổ phiếu của FTSE vào tháng 3/2024 tới đây.
FTSE Russell
Theo ông Lực, thị trường Việt Nam không nhất thiết phải có quy định về ký quỹ, song phải có biện pháp phòng ngừa rủi ro. Khảo sát trên thế giới cho thấy, trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư không thanh toán chỉ chiếm 2%, tương đương mức tổn thất khoảng 3 tỷ USD/năm. Theo đó, ông Lực đề xuất 3 biện pháp phòng ngừa rủi ro, gồm: Nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin giao dịch, tránh xảy ra những lỗi sai sót; kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài xử lý, xử phạt (mức xử phạt trên thế giới có thể lên tới 1.000-5.000USD hoặc theo tỷ lệ số tiền); tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán trong việc thẩm định rủi ro.
Thêm vào đó, Tổng Giám đốc đầu tư Khối chứng khoán, thuộc Quỹ đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu VinaCapital Nguyễn Hoài Thu cho hay, qua trao đổi với các công ty chứng khoán, các đơn vị này có thể phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ ứng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ 100%. Nhưng về lâu dài, việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), trong đó, ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ sẽ giải quyết được vấn đề ký quỹ trước giao dịch.
Gỡ vướng về sở hữu nước ngoài
Theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Việt Nam đảm bảo 4 tiêu chí: Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; quy định pháp luật của từng ngành nghề cụ thể; quy định tại danh mục các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài, trường hợp không quy định cụ thể thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty là 50% vốn điều lệ; các trường hợp khác thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế. Còn với các công ty hoạt động đa ngành nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì sẽ không vượt quá mức thấp nhất trong các quy định.
TS. Cấn Văn Lực đánh giá, với những tiêu chí trên, vấn đề nằm ở những ngành nghề có quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài và những ngành nghề thuộc danh mục hạn chế tiếp cận thị trường, bởi những trường hợp khác đang thực hiện theo thông lệ quốc tế hoặc không có hạn chế. Do đó, muốn giải quyết vấn đề sở hữu nước ngoài, Việt Nam cần thay đổi các quy định với từng ngành nghề cũng như rà soát lại danh mục những ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, việc rà soát danh mục ngành nghề không hề đơn giản bởi theo Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hiện có tới 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi trên thực tế, giấy phép hoạt động của doanh nghiệp hiện có rất nhiều ngành nghề, trong đó, mỗi ngành lại có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài khác nhau dẫn đến khó khăn khi soi chiếu. “Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã hết room ngoại. Vậy khi nhà đầu tư nước ngoài muốn mua thì liệu chúng ta có nới room?” - ông Phạm Hồng Sơn đặt câu hỏi.
Để tháo gỡ vấn đề này, bà Nguyễn Hoài Thu kiến nghị giảm bớt số lượng ngành nghề trong danh sách này, nhiều ngành nghề không nhất thiết phải hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) cũng sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào những doanh nghiệp đã chạm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký mở tài khoản mới cho nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do hóa trên thị trường ngoại hối… cũng cần giải quyết để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng./.