Phát triển bền vững: Đâu là tiêu chuẩn phù hợp cho doanh nghiệp Việt?

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:33, 26/10/2023

(BKTO) - Hội đồng Chuẩn mực Quốc tế về tính bền vững (ISSB) vừa đưa ra chuẩn mực hướng dẫn công bố thông tin phát triển bền vững trên toàn cầu. Việc này không chỉ đặt một cột mốc quan trọng cho việc chuẩn hóa thông tin, mà còn có thể là lời giải cho các doanh nghiệp Việt đang tìm kiếm tiêu chuẩn phù hợp để tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
ba-tran-thi-thuy-ngoc-pho-tong-giam-doc-thuong-truc-deloitte-vn.png
Bà Trần Thị Thúy Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Thường trực, Lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Phát triển Bền vững & Biến đổi khí hậu, Deloitte Việt Nam

Vượt trên việc đưa ra cam kết, thực hiện hành động thúc đẩy phát triển bền vững, các doanh nghiệp hiện nay còn phải đối diện với yêu cầu tuân thủ theo luật định, áp lực ngày càng lớn từ nhà đầu tư và các bên hữu quan khác trong việc công bố thông tin chất lượng hơn, toàn diện hơn.

Những doanh nghiệp triển khai hành động phát triển bền vững và có thể chứng minh được thông qua báo cáo sẽ có khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt hơn một cách thuận lợi hơn. Theo khảo sát của MSCI, 52% nhà đầu tư đã áp dụng chiến lược đầu tư ESG có trách nhiệm, 79% nhà đầu tư với khối tài sản hơn 200 tỷ USD cho biết họ cũng có khung chính sách ESG.

Dễ bị rối với “mê cung” của những khuôn khổ & chuẩn mực báo cáo

Các quốc gia đã và đang xây dựng nhiều quy định để các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp lớn và niêm yết, có hướng dẫn và định hướng trong việc công bố thông tin liên quan. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng xây dựng các bộ tiêu chuẩn riêng.

Thực tế này phát sinh vấn đề có quá nhiều khuôn khổ, tiêu chuẩn, chuẩn mực báo cáo cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau với các mục đích khác nhau. Theo đó, các doanh nghiệp và những bên liên quan có thể sẽ dễ bị rơi vào “mê cung” của những quy định, hướng dẫn công bố thông tin. Thực tế là một số tập đoàn quy mô lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, vùng lãnh thổ đang áp dụng nhiều hơn một bộ khung báo cáo hoặc tiêu chuẩn.

2.png
Thực trạng công bố thông tin và đảm bảo thông tin phát triển bền vững 2019 – 2021. Nguồn: Báo cáo IFAC, AICPA & CIMA (2023)

Theo khảo sát của IFAC, AICPA & CIMA về công bố và đảm bảo thông tin phát triển bền vững phát hành đầu năm 2023, số lượng các công ty sử dụng hoặc tham khảo nhiều hơn một bộ tiêu chuẩn/khung báo cáo phát triển bền vững tăng từ 68% vào năm 2020 lên 85% vào năm 2021.

Việc sử dụng đồng thời nhiều khuôn khổ báo cáo và bộ tiêu chuẩn báo cáo có thể làm suy giảm tính hữu ích của thông tin phát triển bền vững được công bố, từ đó dẫn đến nguy cơ nguồn lực và các khoản đầu tư bị phân tán, không bám sát mục tiêu phát triển bền vững. Xuất phát từ thực tế, nhu cầu cần xây dựng bộ tiêu chuẩn toàn cầu trở nên cấp thiết, nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa các quy định, khuôn khổ và các bộ tiêu chuẩn báo cáo, tạo ra ngôn ngữ chung giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Ngôn ngữ chung cho thông tin phát triển bền vững

Giải quyết bài toán này, gần đây nhất, ISSB vừa công bố chuẩn mực đầu tiên: IFRS S1 - Công bố thông tin chung về phát triển bền vững và IFRS S2 - Công bố thông tin về khí hậu.

Việc ra đời của hai chuẩn mực này đặt một dấu mốc quan trọng cho việc xây dựng một khung báo cáo chung về thông tin phát triển bền vững chất lượng được áp dụng trên toàn cầu, có thể đối chiếu và so sánh giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo nên một ngôn ngữ chung để các doanh nghiệp & các nhà đầu tư trên thị trường vốn có thể trao đổi.

Một cách dễ hiểu, IFRS S1 và IFRS S2 là thuyết minh đi kèm với báo cáo tài chính của doanh nghiệp giúp xác định rủi ro và cơ hội liên quan đến phát triển bền vững & khí hậu có ảnh hưởng đến tình hình tài chính trong ngắn, trung và dài hạn. Các yếu tố được tính là rủi ro và cơ hội sẽ được trình bày theo khung bốn trụ cột: quản trị, chiến lược, quản trị rủi ro, các chỉ số và mục tiêu liên quan. Với mục đích tập trung vào thị trường vốn, chuẩn mực IFRS S1, IFRS S2 chỉ yêu cầu thông tin trọng yếu, phù hợp và hữu ích, hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình đưa ra quyết định.

Hơn nữa, được xây dựng và hợp nhất dựa trên các khuôn khổ, bộ tiêu chuẩn báo cáo phổ biến như TCFD, SASB, CDSB, Khung Báo cáo Tích hợp, IFRS S1 và IFRS S2 giúp cải thiện sự thống nhất và khả năng tương tác của các tiêu chuẩn ESG toàn cầu, giảm gánh nặng báo cáo cho người lập báo cáo.

Sáng kiến của ISSB đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà đầu tư, công ty, nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý thị trường và các bên hữu quan từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Tổ chức Ủy ban Chứng khoán Quốc tế (IOSCO), Ban Ổn định Tài chính (FSB), các nhà lãnh đạo G20 và G7. Cơ quan quản lý tại các quốc gia trong khu vực cũng đưa ra quan điểm ủng hộ các tiêu chuẩn mới này.

Năm 2022, Cơ quan Quản lý sàn giao dịch Singapore (SGX RegCo) và Cơ quan Quản lý doanh nghiệp và Kế toán (ACRA) đã ban hành văn bản, trong đó hoan nghênh các sáng kiến ISSB nhằm phát triển khung chuẩn mực toàn diện cho việc công bố thông tin phát triển bền vững trên toàn cầu.

Vào tháng 07/2023, ACRA và SGX RegCo tiến hành lấy ý kiến công chúng về đề xuất thúc đẩy triển khai báo cáo về khí hậu tại Singapore. Nếu đề xuất được thông qua các công ty niêm yết sẽ cần tuân thủ yêu cầu phát hành báo cáo trong khuôn khổ thống nhất với chuẩn mực theo giai đoạn và tùy theo ngành nghề, bắt đầu từ năm tài chính 2025.

Hiệp hội kế toán công chứng Indonesia cũng bày tỏ ủng hộ mong muốn xây dựng khung tiêu chuẩn toàn diện cho việc công bố thông tin tài chính liên quan đến phát triển bền vững và khí hậu trên toàn cầu.

Tại Nhật Bản, kể từ tháng 04/2023, Hội đồng Tiêu chuẩn Phát triển bền vững Nhật Bản (SSBJ) đã làm việc chặt chẽ với ISSB để đưa ra lộ trình xây dựng dự thảo chuẩn mực về thuyết minh thông tin phát triển bền vững của Nhật Bản, lấy cơ sở là các chuẩn mực của ISSB.

Hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt?

Hiện tại Việt Nam đã có các quy định và hướng dẫn thực hiện báo cáo phát triển bền vững cho doanh nghiệp như Thông tư 96/2022/TT-BTC, Thông tư số 116/2022/TT-BTC, Sổ tay báo cáo bền vững cho các công ty Việt Nam, Hướng dẫn công bố về môi trường và xã hội, quy tắc thực hành tốt nhất về quản trị của Việt Nam…

Tuy nhiên, khi tính tới câu chuyện tiếp tục phát triển tại những sân chơi lớn, thu hút nguồn vốn chất lượng, nhất là nguồn vốn xanh, trái phiếu xanh hay các khoản vay xanh, các doanh nghiệp Việt, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết cần lựa chọn khung báo cáo phát triển bền vững toàn cầu phù hợp để có thể đáp ứng yêu cầu tuân thủ về việc công bố thông tin cho các cơ quan quản lý thị trường và nhà đầu tư.

Việc lựa chọn khung tiêu chuẩn công bố thông tin phát triển bền vững phù hợp có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, thể hiện sự sẵn sàng và khả năng nắm bắt cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cần thiết.

Việc cân nhắc và xây dựng lộ trình áp dụng chuẩn mực IFRS S1 và IFRS S2 sẽ mang lại cho doanh nghiệp Việt nhiều lợi ích. Cụ thể:

Thứ nhất, tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Hiện các chuẩn mực về công bố thông tin phát triển bền vững của ISSB đã và đang tích hợp những khuôn khổ báo cáo phổ biến nhất trên thế giới. Việc hợp nhất các chuẩn mực sẽ là một xu hướng tất yếu trong tương lai được các bên ủng hộ, do đó, tìm hiểu và áp dụng IFRS S1 và IFRS S2 có thể giúp các doanh nghiệp Việt tiết kiệm thời gian nghiên cứu, lựa chọn chuẩn mực, khung báo cáo phù hợp, nhằm tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn chất lượng trên thị trường vốn quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Trong khi đó, những rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu ngày càng tạo ra tác động tài chính có thể đo lường được cho các công ty. Do đó, việc trình bày cơ hội và thách thức theo IFRS S2 (tập trung vào khí hậu) sẽ giúp các bên tham gia thị trường vốn công bố thông tin liên quan đến khí hậu một cách nhất quán, có thể so sánh và đáng tin cậy.

Nói cách khác, IFRS S1 và IFRS S2 có thể chính là lời giải cho các doanh nghiệp khi tìm kiếm chuẩn mực công bố thông tin phát triển bền vững trên toàn cầu trong tương lai. Việc tìm hiểu và sớm đưa vào áp dụng còn có thể giúp doanh nghiệp đi trước những xu thế, để có lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

TRẦN THỊ THÚY NGỌC - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt