Quản lý tài chính của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và một số đơn vị thành viên còn nhiều bất cập

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:05, 06/09/2018

(BKTO) - Sau khi thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, KTNN đánh giá: Báo cáo tài chính năm 2016 của Tập đoàn, ngoại trừ phạm vi, giới hạn kiểm toán, xét trên khía cạnh trọng yếu, sau khi điều chỉnh số liệu theo kết quả kiểm toán đã phản ánh trung thực về tình hình tài sản, nguồn vốn, kết quả kinh doanh và thu nộp NSNN. Cụ thể, kết quả kiểm toán đã điều chỉnh tổng tài sản - nguồn vốn tăng 292,71 tỷ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế tăng 185,12 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp NSNN tăng 255,09 tỷ đồng.


Thiếu hụt nguồn tiền trả nợ

KTNN cũng nhận định, Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị thành viên được kiểm toán cơ bản đã quản lý tài chính và hạch toán kế toán theo pháp luật, chính sách, chế độ tài chính - kế toán hiện hành. Song, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Tính đến thời điểm 31/12/2016, nợ phải thu ngắn hạn của Tập đoàn là 6.884,86 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn là 753,86 tỷ đồng, chiếm 10,94% trên tổng số nợ phải thu. Dự phòng phải thu khó đòi được trích lập theo quy định 190,91 tỷ đồng, chiếm 2,77% tổng nợ phải thu ngắn hạn. Về quản lý nợ phải trả, tại Công ty mẹ vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 6.608,28 tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay tại các ngân hàng để thực hiện Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Nhưng với tình hình tài chính của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình thì việc thu hồi các khoản nợ vay mà Tập đoàn đã thực hiện trả nợ thay là rất khó khăn. Theo kế hoạch tài chính đến năm 2018, Công ty mẹ sẽ khó có khả năng thanh toán các khoản nợ trên, nguồn tiền thiếu hụt để trả nợ là 470,28 tỷ đồng.

Về quản lý vốn chủ sở hữu, Công ty mẹ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ đến năm 2015 là 16.000 tỷ đồng nhưng đến thời điểm 31/12/2016, vốn của Nhà nước đầu tư chỉ là 14.185,84 tỷ đồng, thiếu so với vốn điều lệ được phê duyệt 1.828,58 tỷ đồng.

Về hoạt động đầu tư tài chính, tại thời điểm 31/12/2016, tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ Tập đoàn là 12.713,2 tỷ đồng. Công ty mẹ đã trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính là 4.042,86 tỷ đồng, tỷ lệ trích lập dự phòng trên tổng vốn đầu tư tài chính dài hạn là 31,8%. Trong đó, tỷ lệ trích lập dự phòng trên tổng vốn đầu tư tài chính tại các công ty phải trích lập dự phòng là 60,2%. Nhìn chung, hoạt động đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ không hiệu quả, đặc biệt là việc đầu tư vào 5 công ty (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty CP DAP - Vinachem, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem, Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt Lào) với tổng vốn đầu tư là 6.836,75 tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng vốn đầu tư tài chính, tiềm ẩn nguy cơ khó thu hồi vốn.

Đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn, tiền và tài sản nhà nước, KTNN cho rằng, năm 2016, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn nhìn chung không hiệu quả, chưa bảo toàn và phát triển được vốn. Cụ thể, doanh thu của toàn Tập đoàn giảm 1.603,27 tỷ đồng, tương ứng giảm 3,9% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế âm 149,95 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế Thu nhập DN âm 739,59 tỷ đồng.

KTNN kiến nghị nộp NSNNsố tiền hơn 255 tỷ đồng

Không chỉ dừng lại ở việc phát hiện những sai sót, hạn chế ở Công ty mẹ, KTNN còn chỉ ra nhiều bất cập tại các công ty con của Tập đoàn Hóa chất. Đơn cử như một số đơn vị chưa ban hành quy chế quản lý công nợ; bán hàng cho khách hàng trong khi chưa thu hồi được công nợ cũ dẫn đến bị chiếm dụng vốn trong thời gian dài; bán hàng vượt bảo lãnh hoặc vượt định mức dư nợ; bán hàng trả chậm nhưng chưa quy định về điều kiện đảm bảo hợp đồng dẫn đến công nợ tồn đọng lâu năm khó thu hồi hoặc có thể dẫn đến rủi ro phát sinh công nợ khó đòi; ký kết hợp đồng bán hàng chưa chặt chẽ, chưa có các biện pháp đảm bảo tài chính; chưa có chế tài xử phạt vi phạm hợp đồng; còn tình trạng công nợ dây dưa lâu năm khó thu hồi.

Bên cạnh đó, một số đơn vị lập kế hoạch mua sắm nguyên vật liệu chưa bám sát vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, chưa gắn với lượng nguyên vật liệu tồn kho thực dẫn đến tồn kho nguyên vật liệu trong năm cao, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn; chưa xây dựng định mức hàng tồn kho với các vật tư, thiết bị dẫn đến tồn kho ứ đọng vốn; chưa tổ chức đấu thầu, chào hàng cạnh tranh khi mua vật tư, nguyên vật liệu sản xuất; phê duyệt giá trúng thầu cao hơn chào giá của nhà thầu; mua than của nhà cung cấp chưa đảm bảo điều kiện kinh doanh than; xác định giá trị hàng tồn kho chưa chính xác.

Đáng chú ý, một số đơn vị còn có sai sót trong hạch toán doanh thu, chi phí; thực hiện khuyến mại không đúng quy định của Luật Thương mại; kê khai thiếu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; tính thiếu tiền phí cấp quyền khai thác khoáng sản… Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị nộp NSNN số tiền 255,42 tỷ đồng và giảm thuế Giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ 425 triệu đồng.

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Tập đoàn Hóa chất và các đơn vị được kiểm toán phải chấn chỉnh những hạn chế, bất cập đã được KTNN chỉ ra; khẩn trương nghiên cứu và thực hiện các biện pháp để tăng khả năng thu hồi vốn đầu tư tại 5 công ty nêu trên.

KTNN cũng kiến nghị Tập đoàn kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm về việc để xảy ra thua lỗ lớn, nguy cơ mất vốn cao tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty CP DAP - Vinachem, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem…

ĐỨC HUY
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 30-8-2018