Chống lãng phí trong lĩnh vực khoa học, công nghệ - Bài 3: Lỗ hổng quản lý và nguy cơ khoa học bị trục lợi
Góc nhìn - Ngày đăng : 16:05, 22/10/2023
Rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học…
Do đặc thù, nghiên cứu khoa học phải có rủi ro, có điều chỉnh, không thể rạch ròi. Điều này dẫn đến câu chuyện, quản lý KHCN ra sao, để vừa đảm bảo nguồn lực của Nhà nước được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, song không triệt tiêu động lực của nhà khoa học là rất đáng bàn.
Theo giới khoa học, sự rủi ro trong NCKH thường được hiểu là không thành công, tuy nhiên, nhiều trường hợp thực chất chỉ là không đạt được sản phẩm nghiên cứu như dự kiến, chứ quá trình nghiên cứu không hẳn là thất bại.
PGS,TS. Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, nghiên cứu khoa học là hoạt động đặc thù, thử nghiệm để tìm ra cái mới, hữu ích cho đời sống sản xuất và xã hội. Đây là công việc đòi hỏi đầu tư nhiều nhưng có tính rủi ro cao.
Tuy nhiên, hiện nay, quy trình phê duyệt danh mục, đề cương, dự toán chi tiết, quyết toán, thanh lý các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước không phù hợp với tính chất, đặc thù nghiên cứu khoa học. Các nhiệm vụ có tính chất cấp bách, đột xuất cần phải giao việc giao kinh phí ngay nhưng phải tuân thủ theo quy trình có nhiều bước và phải chờ cấp kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. “Điều này vô hình làm giảm đi sự cấp thiết trong nghiên cứu, cũng như làm triệt tiêu động lực của nhà khoa học” - PGS,TS. Nguyễn Ngọc Anh cho biết.
Đồng quan điểm, TS. Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, trong khoa học, rủi ro, có độ trễ là những đặc thù được chấp nhận. Tuy nhiên, trong quá trình tham mưu xây dựng Luật, cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ KHCN vẫn cơ bản theo hướng quản lý hành chính, chưa thực sự quan tâm đến đặc thù này. “Trong dự thảo Luật KHCN sửa đổi lần này, các đại biểu Quốc hội cần quan tâm hơn nữa đến việc “cởi trói” quy định cho KHCN” - TS. Cường cho biết.
Khi được coi là lĩnh vực đặc thù, cơ quan quản lý, xã hội cần có niềm tin vào phẩm chất của đội ngũ cán bộ KHCN. Ngược lại, người làm khoa học cần phải đề cao tính liêm chính trong khoa học, coi đó là danh dự, lẽ sống của mình để cống hiến một cách vô tư. Từ đó, KHCN mới được giải phóng sức sáng tạo để “cất cánh”.
GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp
Theo đại diện Viện Vật liệu xây dựng, cùng với rủi ro, độ trễ trong khoa học đôi khi là cần thiết, để từ đó tạo nên những giá trị mới. Đơn cử, để tạo ra một vật liệu mới, các nhà khoa học cũng phải sử dụng những kết quả nghiên cứu cơ bản đã được tích lũy rất nhiều năm về đặc tính, cấu trúc của các nguyên liệu cơ bản và hàng loạt kiến thức khác mới có thể có được giải pháp tạo ra vật liệu mới với những đặc tính cần có.
Còn theo đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong quá trình thực hiện kiểm toán, KTNN cũng đã lưu ý và đề cập đến tính rủi ro, độ trễ trong khoa học để có kiến nghị phù hợp, song gốc rễ vấn đề hiện nay là phải thay đổi nhận thức về KHCN, cũng như sửa quy định pháp luật về KHCN cho phù hợp với đặc thù lĩnh vực.
Mặc dù đều khẳng định tính rủi ro và độ trễ trong khoa học, song nhiều nhà khoa học, cơ quan quản lý cho rằng, không thể dựa vào đặc thù rủi ro và độ trễ trong khoa học mà bỏ qua tính thực tiễn, tính cấp thiết của nghiên cứu, cũng như quy định pháp luật có liên quan...
Tồn tại trong sử dụng kinh phí sự nghiệp KHCN
Chấp nhận rủi ro, độ trễ trong khoa học từ đó có sự nhìn nhận đúng đắn đối với nỗ lực của giới nghiên cứu, song các ý kiến cũng cho rằng, không thể đánh đồng giữa rủi ro trong khoa học với sự chủ quan, lợi dụng khoa học để trục lợi.
Và qua công tác kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN), cũng như giám sát của Quốc hội đã cho thấy, bên cạnh những nỗ lực của giới khoa học, vẫn còn những vấn đề đáng ngại trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp KHCN, cũng như tính liêm chính khoa học từ chính cơ quan "gác gôn" về KHCN là Bộ KHCN, các đơn vị nghiên cứu...
Theo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đối với lĩnh vực KHCN, giai đoạn 2016-2021, nhiều Bộ, ngành, địa phương bố trí kinh phí cho nhiều đề tài chưa cấp thiết, chưa có tính thực tiễn; chậm xây dựng và phê duyệt nhiệm vụ kéo theo phân bổ và sử dụng không kịp, không hết dự toán chi NSNN được giao...
Đáng chú ý, chi chuyển nguồn sự nghiệp KHCN cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học còn lớn, riêng năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 là 5.826 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 4.579,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 1.246,1 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng tại Bộ KHCN, trong giai đoạn 2016-2020, số chuyển nguồn NSNN có xu hướng tăng theo từng năm. Đơn cử, năm 2016 là 1.658,9 tỷ đồng, đến năm 2020 là 2.510,9 tỷ đồng
“Các khoản chi chuyển nguồn sự nghiệp KHCN kéo dài nhiều năm, không có nhu cầu sử dụng hoặc đã nghiệm thu, quyết toán còn dư nguồn hoặc đã dừng thời gian thực hiện nhưng chậm thu hồi, hủy dự toán” - Báo cáo giám sát của Quốc hội nêu.
Chính phủ cần ban hành các hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung các quy định, cơ chế liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp KHCN, quản lý tài sản và chuyển giao các kết quả nghiên cứu và các tài sản liên quan đến việc triển khai nghiên cứu. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ công tác lập, phân bổ, quản lý, sử dụng các khoản chi NSNN, trong đó có chi sự nghiệp KHCN, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không lặp lại các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.
Trích Báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Trong quản lý nhiệm vụ, dự án KHCN, kết quả kiểm toán của KTNN cũng chỉ ra không ít bất cập. Đơn cử, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), KTNN chỉ ra, có 10 nhiệm vụ KHCN kết thúc năm 2021 chưa thực hiện việc giao nộp sản phẩm và lưu giữ hồ sơ; chưa theo dõi, tổng hợp số liệu tài sản trang thiết bị sau khi kết thúc nhiệm vụ KHCN… Trong khi đó, các đơn vị chưa thực hiện xử lý đối với trường hợp nhiệm vụ KHCN không hoàn thành theo quy định.
Đáng chú ý, một trong những sai phạm điển hình trong nghiên cứu đã đang được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý, cũng như được KTNN chỉ ra, đó là đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”. Đề tài do Học viện Quân y đề xuất và được Bộ KHCN phê duyệt, cấp kinh phí gần 19 tỷ đồng để triển khai thực hiện và đưa vào ứng dụng.
Với sự tiếp tay của lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm của 02 cựu Bộ trưởng Bộ KHCN, Bộ Y tế, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á với vai trò là doanh nghiệp đồng hành trong nghiên cứu đề tài đã độc quyền bán sản phẩm, thu lợi bất chính cả nghìn tỷ đồng, trong bối cảnh cả nước đang vật lộn, kiệt quệ vì đại dịch. Vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Cùng với những đánh giá được đưa ra qua công tác giám sát của Quốc hội, những tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ KHCN sau khi được KTNN công bố đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội. Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước), mặc dù, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, song Nhà nước vẫn luôn quan tâm đầu tư cho KHCN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ này ngay tại cơ quan chuyên trách về KHCN.
Dẫn ví dụ về trường hợp Bộ KHCN trong giai đoạn 2016-2021 có 86 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đã bị dừng thực hiện, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, cử tri kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phê duyệt, cấp kinh phí và triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ KHCN bị dừng thực hiện và thất thoát, lãng phí ngân sách…
... Đến nguy cơ thất thoát, lãng phí tài sản
Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn KHCN còn chưa đúng quy định. Minh chứng là tại Bộ KHCN, các dự án sản xuất thử nghiệm được giao cho đơn vị thực hiện từ các năm 2006-2010 đã thu hồi nhưng chưa nộp trả NSNN hàng nghìn tỷ đồng.
Cần làm rõ nguy cơ thất thoát, lãng phí từ việc xử lý, thu hồi tài sản hình thành trong quá trình nghiên cứu, đầu tư về KHCN. Bởi, theo kết quả kiểm toán, giá trị tài sản chưa được xử lý lớn, số liệu tổng hợp đến hết năm 2020 là 1.032 tỷ đồng.
KTNN cho ý kiến về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đối với lĩnh vực KHCN, giai đoạn 2016-2021
Tại nhiều Bộ, ngành, nguồn ngân sách chi cho KHCN khá lớn, song các Bộ chưa làm rõ cơ chế phối hợp, phân chia trách nhiệm, rủi ro, quyền lợi giữa Bộ và các cơ quan, tổ chức, nhất là quyền lợi về mặt kinh tế cho Nhà nước khi các đề tài sử dụng kinh phí nghiên cứu của Nhà nước thành công, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức; không theo dõi, nắm bắt việc triển khai kinh phí cho KHCN để đánh giá tính hiệu quả…
Là một trong những Bộ, ngành đã được KTNN chỉ ra có những bất cập trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ KHCN, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, việc phân chia là tương đối khó khi các đề tài nghiên cứu thành công. Nguyên nhân là do “đặc thù KHCN có yếu tố rủi ro, nhất là đối với sản phẩm nghiên cứu là cây trồng, vật nuôi đã chuyển giao cho người dân”, nên khó xác định giá trị về mặt kinh tế. Tuy nhiên, bà Thủy cũng thừa nhận những sơ sót và đã kiến nghị lãnh đạo Bộ có chỉ đạo chấn chỉnh đối với các cơ quan liên quan, theo kiến nghị kiểm toán.
Đáng chú ý, kết quả kiểm tra, giám sát còn chỉ ra, việc nghiệm thu, bàn giao, chuyển giao và sử dụng kết quả nghiên cứu tại một số cơ quan, địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí nguồn vốn, tài sản, cơ sở vật chất, nhà đất khi thực hiện và sau khi kết thúc nghiên cứu. Việc triển khai nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP đến nay cơ bản chưa thực hiện được...
Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học rất lớn nhưng lãng phí không ít, hiệu quả đưa lại của việc ứng dụng các đề tài vào thực tế so với ngân sách bỏ ra không cao”
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân
Bên cạnh đó, công tác xác định giá trị của tài sản, đặc biệt đối với tài sản là kết quả, việc xác định và ghi nhận giá trị hiện nay còn nhiều vướng mắc về cơ chế định giá, tổ chức định giá. “Tồn tại này bộc lộ lỗ hổng trong công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến thất thoát, lãng phí trong việc thực hiện các đề tài” và “Nhiều nhiệm vụ nghiên cứu không phát huy được kết quả nghiên cứu, còn gây hệ lụy thất thoát, lãng phí không chỉ nguồn kinh phí, còn cả tài sản, đất đai” - Báo cáo giám sát của Quốc hội nêu rõ.
Một ví dụ điển hình phản ánh thực trạng trên là việc tổ chức các nghiên cứu tại Khu công nghệ cao, công nghệ sinh học, tỉnh Đồng Nai gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng đã được KTNN chỉ ra, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại nghị trường vừa qua. Theo đó, Dự án có tổng nguồn vốn xây dựng hạ tầng ban đầu khoảng 640 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách.
Giai đoạn 2011-2015, Khu công nghệ cao, công nghệ sinh học Đồng Nai (giai đoạn trực thuộc Sở KHCN) có 27 đề tài/dự án nghiên cứu khoa học với tổng phê duyệt kinh phí gần 100 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn nhà nước hơn 80%) đã được đầu tư triển khai nhưng không hiệu quả.
Đến nay, các khu hành chính, điều hành, trung tâm, viện nghiên cứu, xí nghiệp ươm tạo, chuyển giao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ, hàng chục nhà màng rộng hàng chục hécta bị bỏ hoang; hệ thống thiết bị hư hỏng nặng, không thể sử dụng…
Cùng với những “lỗ hổng” trong công tác quản lý dẫn đến nguy cơ thất thoát, lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ KHCN, tình trạng nghiên cứu không được ứng dụng luôn là vấn đề “nóng”, gây bức xúc trong dư luận xã hội...
Bài 4: Nghiên cứu khoa học: Thừa lãng phí, thiếu ứng dụng