Tạo điều kiện cho nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 21:47, 27/10/2023
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam - OECD năm 2023 với chủ đề “Đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao phục vụ tăng trưởng xanh thông minh và bền vững”.
Diễn đàn diễn ra ngày 27/10, tại Hà Nội, với sự tham dự của Tổng Thư ký, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann cùng đại diện các cơ quan ngoại giao, Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu của OECD.
Đây là cơ hội để các chuyên gia, nhà đầu tư, tổ chức quốc tế cùng trao đổi thẳng thắn, đề xuất những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam, hướng đến sự phát triển thịnh vượng và bền vững.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế kinh tế Việt Nam.
Các tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận, Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế cũng đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn nên dễ bị tác động trước các biến động của tình hình thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mở ra nhiều cơ hội, nhưng đồng thời có nhiều thách thức. Vì vậy, cần phải đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao năng lực, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, biến “nguy thành cơ”, từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Quan điểm của Việt Nam là phát triển bao trùm, nhanh và bền vững; tập trung thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 và phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và văn hóa con người Việt Nam.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, khu vực đầu tư nước ngoài và sự hỗ trợ của các đối tác, tổ chức quốc tế như OECD sẽ đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt đối với các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra, Việt Nam nhận thức rằng đây là thách thức lớn, song là hướng phát triển tất yếu, đòi hỏi nguồn lực và chiến lược phát triển mang tính chất đột phá.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mang tính chất toàn cầu, vì vậy, Việt Nam cần có sự hỗ trợ và tham gia tích cực của cộng đồng quốc tế trong suốt quá trình triển khai - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Mathias Cormann bày tỏ ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua.
Ông Mathias Cormann cho biết, OECD chú trọng đến phát triển xanh và đầu tư bền vững; hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Do đó, OECD sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó có việc thực hiện các cải cách liên quan đến thuế phù hợp với thông lệ quốc tế; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; lộ trình về phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số; khai thác tiềm năng của nguồn năng lượng tái tạo…